Mức phạt chưa đủ tính răn đe, dẫn đến “nhờn luật”

Theo Bộ Tư pháp, từ khi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực đến nay (từ tháng 11/2013 đến 30/6/2017), Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, UBND các cấp đã ban hành hơn 10.000 quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức xử phạt tiền với tổng số tiền là gần 5 tỉ đồng; 200 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; Các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) địa phương đã ban hành 223 Quyết định xử phạt vi phạm  hành chính (XPVPHC) với tổng số tiền là  hơn 92 triệu đồng. Có thể thấy, đây là con số còn khiêm tốn so với số lượng vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực tư pháp nhất là ở nhóm các lĩnh vực liên quan đến trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự...

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Đáng lưu ý, một số hoạt động, lĩnh vực chưa xử phạt trường hợp nào như: giám định tư pháp, trọng tài thương mại, phổ biến giáo dục, hợp tác quốc tế, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Qua công tác thanh tra, Chánh thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện nhận định tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ phức tạp, song hiệu quả xử lý chưa cao.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do quy định pháp luật về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự chưa rõ ràng, chế tài xử phạt VPHC đối với các lĩnh vực trên chưa nghiêm, mức xử phạt VPHC quá thấp, các chế tài về thu hồi giấy phép hoạt động, cấm hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thanh tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Không ít hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự không có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng.

Trong đó, có thể kể đến Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP  và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110 tuy có sửa đổi, bổ sung việc xử phạt hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng về cơ bản, rất ít trường hợp ngoại tình bị xử phạt hành chính chứ chưa nói đến việc bị xử lý hình sự, dẫn tới hậu quả là chế tài của pháp luật không đủ sức răn đe.

Phó Chánh thanh tra Sở Tư pháp Hải Phòng Trần Quý Toán cũng cho hay: “Nhiều trường hợp sẵn sàng nộp phạt vì mức phạt rất thấp, cho thấy hiệu quả pháp lý không cao, thủ tục hành chính, giấy tờ nhiều nên cán bộ tư pháp bỏ qua”.

Cần nâng mức xử phạt đảm bảo mức độ răn đe

Có thể thấy, tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định pháp luật về lĩnh vực đó.

Ông Vũ Văn Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) thẳng thắn chỉ ra, hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức ngày càng gia tăng nhưng chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa tương xứng và chưa có tính răn đe, một số hành vi cần xử lý nhưng lại chưa có quy định xử phạt, tạo ra tâm lý coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý nhà nước.

Do vậy, theo ông Đoàn, cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110 và Nghị định 67, trong đó cần tập trung nâng mức xử phạt trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá; bổ sung quy định XPVPHC trong hoạt động Thừa phát lại và hòa giải viên thương mại, đồng thời bổ sung một số hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần tăng mức tiền phạt phải đảm bảo mức độ răn đe với các hành vi vi phạm phổ biến nhưng không tăng cơ học mà phải tính toán tương xứng, phù hợp với thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong Nghị định 110 và Nghị định 67. Ngoài hình thức phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền cần kết hợp hài hòa các hình thức phạt bổ sung như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép chứng chỉ hành nghề… mới đảm bảo được tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.

Tại cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110, chiều 14/11, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ nhấn mạnh mức phạt phải đủ sức răn đe, không để tình trạng phạt cho tồn tại hoặc sẵn sàng vi phạm khi mức phạt thấp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng chỉ ra, nhiều hành vi không được quy định rõ ràng, chế tài áp dụng một số hành vi chưa đủ răn đe, sinh ra tình trạng “nhờn” luật, nhiều hành vi tính chất khác nhau nhưng xử phạt như nhau, thẩm quyền xử phạt chưa hợp lý. Điều này dẫn đến tình trạng trong khi tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực này ngày càng gia tăng về tính chất và mức độ nhưng số lượng vụ việc bị XPVPHC lại rất ít, một số lĩnh vực chưa xử phạt được trường hợp nào do vướng mắc về pháp luật, tâm lý e ngại ra quyết định xử phạt do công việc chuyên môn nhiều và không muốn đụng chạm.

Đồng tình cần phải tăng mức phạt, song Thứ trưởng Phan Chí Hiếu lưu ý phải tùy từng trường hợp cụ thể và chú ý đến quy định về mức phạt tối đa, thẩm quyền xử phạt./.

Thu Hằng