Không để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục kéo dài 

(QT) - Năm 2017 đã đi qua hơn 1/3 chặng đường nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 18,3% kế hoạch. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong thời gian tới tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để khắc phục tình trạng này, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến nhiệm vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

 

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị tính đến ngày 31/1/2017, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là hơn 2.036 tỷ đồng, đạt 94% so với kế hoạch được giao. Đối với kế hoạch năm 2017, tính đến ngày 30/4/2017, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư XDCB của tỉnh là 397,739 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch.

 

Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ việc thực hiện và giải ngân vốn đầu từ XDCB 4 tháng đầu năm 2017 đạt thấp so với kế hoạch được giao một phần là do các yếu tố khách quan như thủ tục hành chính không rõ ràng, rườm rà, chồng chéo, các văn bản hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa hoàn thiện hoặc chưa phù hợp, gây nhiều khó khăn cho triển khai giải ngân vốn.

 

Nguyên nhân sâu xa là năng lực quản lý dự án của một số các chủ đầu tư chưa cao, các địa phương chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa phạm vi, quyền hạn và chế tài xử lý nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý của các chủ đầu tư. Ngoài ra, năm 2016 là năm đặc biệt khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành hai văn bản liên quan tới đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư công. Do vậy những quý đầu năm 2017 rất nhiều đơn vị làm chậm hồ sơ, thủ tục phê duyệt, chủ đầu tư lúng túng khi triển khai các thủ tục đầu tư theo các Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư công ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.

 

Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 29 dự án ODA đang triển khai thực hiện; trong đó chỉ có 16 dự án được bố trí với tổng số vốn là 931,947 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đối ứng cần bố trí để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo cam kết với nhà tài trợ trong kế hoạch năm 2017 của các dự án ODA nhóm Ô trên địa bàn tỉnh là 81,548 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có nguồn vốn để cân đối, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của dự án. Đối với nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố Đông Hà, đến hết tháng 4/2017 đã thu được 47 tỷ đồng, đạt 35% số thu được giao nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 2,1% do công tác đấu giá đất tổ chức muộn. Một số dự án có tỷ lệ thanh toán khối lượng hoàn thành thấp, chủ yếu là tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi trong tổng giá trị giải ngân của dự án.

 

Đầu năm 2017, UBND tỉnh có văn bản về phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017, trong đó quy định cụ thể: Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo hướng dẫn hạng mục, cơ cấu vốn đầu tư, thông báo vốn quyết toán và theo dõi việc thực hiện Quyết định này. Đây là một giải pháp chỉ đạo điều hành quan trọng nhằm kiểm soát chặt chẽ không để các chủ đầu tư thực hiện đầu tư dàn trải, chưa hoàn thành dứt điểm các hạng mục cũ đã thực hiện các hạng mục mới làm phát sinh nợ đọng XDCB. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để Kho bạc Nhà nước thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư.

 

Tuy nhiên, tính đến ngày 30/4/2017 vẫn còn 60 dự án của 20 chủ đầu tư với kế hoạch vốn 190.871 triệu đồng chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo hướng dẫn hạng mục và cơ cấu vốn năm 2017. Bên cạnh đó, có một số dự án chưa được được Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo hướng dẫn nhưng đã giải ngân kế hoạch vốn bố trí. Tình trạng giải ngân vốn đạt thấp tác động xấu đến tiến độ thi công, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của công trình XDCB đối với đời sống kinh tế, xã hội và tác động xấu trở lại đối với việc thu ngân sách nhà nước (do các đơn vị thi công chậm được thanh toán vốn, dẫn đến tiến độ thi công công trình chậm, không thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế)...

 

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, cần triển khai một số biện pháp cấp bách trong tình hình hiện nay. Theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh, ngoài việc thực hiện nghiêm túc việc điều chuyển vốn đợt 30/9/2016 và 30/11/2016 theo quy định của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016, cần bổ sung thêm giải pháp cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án đến hết tháng 6 năm 2017 mà chủ đầu tư chưa đến giao dịch với Kho bạc Nhà nước để bổ sung cho các dự án có khối lượng thực hiện nhưng chưa có vốn thanh toán.

 

Yêu cầu các đơn vị liên quan đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo đúng quy định. Đối với việc báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của cấp huyện, xã, thời gian tới UBND các huyện chịu trách nhiệm báo cáo số liệu giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia do UBND huyện, xã làm chủ đầu tư theo định kỳ 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và hết 31/1 năm sau để phục vụ công tác tham mưu.

 

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo kế hoạch năm 2017, các ngành, các địa phương cần có cuộc họp bàn để thống nhất về việc thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững kế hoạch năm 2017. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thẩm định nguồn vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh ban hành danh mục các loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; chỉ đạo UBND các huyện hướng dẫn, rà soát UBND các xã trong việc đăng ký danh mục công trình thực hiện kế hoạch năm 2017 theo hướng áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định của Nghị định 161.

 

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh không để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục kéo dài. Từ đây đến 30/6/2017, nếu dự án nào không đấu thầu, chỉ định thầu thì UBND tỉnh sẽ có phương án điều chuyển cho dự án khác; đến 30/9/2017 nếu công trình nào giải ngân dưới 60% vốn thì cũng điều chuyển vốn cho dự án khác. Trước mắt, do khó khăn về nguồn vốn nên trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, các ngành và địa phương ưu tiên trả nợ các công trình đã có khối lượng, tránh đầu tư dàn trải.

 

Các sở, ngành và UBND cấp huyện với vai trò là chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị để có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ XDCB, minh bạch trong lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công; không để tình trạng chậm giải ngân tiếp tục kéo dài.

 

Thanh Trúc

 

1233 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 559
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 559
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235705