Sáng 22/8, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Hổ, sinh năm 1949, trú tại phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên cũng đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Tuyết Diệu, sinh năm 1988, trú xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa (Phú Yên) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phê chuẩn.
[Khánh Hòa: Bắt tạm giam một đối tượng chống phá Nhà nước]
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Yên, bị can Phạm Hổ đã lập trang facebook kết bạn với một số thành viên trong tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu.
Phạm Hổ đã làm thơ, viết bài có nội dung ca ngợi tổ chức này và kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ hoạt động của tổ chức, đăng tải công khai trên facebook cá nhân.
Từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2020, Phạm Hổ được một số thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” gửi cho 2 chiếc điện thoại để liên lạc và 6 cuốn “Hiến pháp Đệ tam Việt Nam Cộng hòa” để Hổ đọc và hội luận trên các diễn đàn của tổ chức.
Qua khám xét nơi ở của bị can, Cơ quan an ninh đã phát hiện, thu giữ tại nhà Phạm Hổ nhiều tài liệu phản động và phương tiện liên quan.
Đối với bị can Trần Thị Tuyết Diệu, từ cuối năm 2017 đến tháng 5/2020 đã sử dụng nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung ca ngợi, cổ xúy các đối tượng hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước; xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ; xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; phỉ báng, kích động lật đổ chính quyền nhân dân; đưa thông tin sai sự thật về các cơ quan thực thi pháp luật trên mạng xã hội./.
Phạm Cường (TTXVN/Vietnam+)