Chúng tôi trở lại vùng biển Triệu Phong vào một ngày cuối tháng 4. Khác hẳn với không khí ảm đạm, thuyền bè đắp chiếu ngổn ngang trên bến bãi vào tháng 4 năm ngoái, hôm nay, các xã miền biển Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng đã trở về với cuộc sống bình thường. Trên bãi biển xã Triệu An sáng sớm, hàng chục tàu thuyền tấp nập cập bến sau một đêm lênh đênh theo luồng tăm cá. Vừa trở về sau chuyến biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Quang Hùng (45 tuổi), chủ tàu cá có công suất 550 CV ở thôn Phú Hội, xã Triệu An phấn khởi nói: “Tàu của tôi hành nghề vây rút đánh bắt cá cơm, cá nục ở ngư trường Cồn Cỏ. Từ đầu năm đến nay, thời tiết khá thuận lợi nên việc đánh bắt thủy sản diễn ra suôn sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tàu của tôi thu về hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí thì lãi khoảng 700 triệu đồng. Biển đang hồi sinh, sản lượng thủy sản đã nhiều trở lại. Ngư dân chúng tôi rất phấn khởi và hăng hái ra khơi”. Toàn xã Triệu An có tổng số 136 tàu, thuyền, trong đó tàu công suất trên 400 CV có 7 chiếc, tàu trên 90 CV là 13 chiếc, số còn lại là thuyền dưới 90 CV và thuyền không lắp máy. Sản lượng khai thác hải sản trong 4 tháng đầu năm đạt 326,65 tấn (tăng 197 tấn so với cùng kỳ năm ngoái). Sản lượng thu hoạch từ nuôi tôm 29.33 tấn/7,2 ha, ước giá trị thu được 5,2 tỷ đồng. Trên địa bàn xã có cơ sở chế biến hải sản nổi tiếng là ruốc đặc Hà Tây và nước mắm Cửa Việt. Ngoài ra, xã còn có 6 lò hấp, sấy cá hoạt động thường xuyên. Hiện nay, các cơ sở sản xuất đã từng bước ổn định xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân xã Triệu An tích cực thực hiện chuyển đổi sinh bằng các mô hình trang trại, gia trại. Đến nay, trên địa bàn xã có 11 mô hình, số hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chuyển đổi sinh kế vùng biển là 34 hộ. Dẫn chúng tôi tản bộ dọc bờ biển để nắm bắt tình hình đánh bắt hải sản của người dân, Chủ tịch UBND xã Triệu An Hoàng Cộng Hòa cho hay: “Sắp tới, Triệu An sẽ đẩy mạnh chuyển đổi khai thác thủy sản gần bờ sang xa bờ, đầu tư cải hoán, đóng mới phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV); động viên, khuyến khích ngư dân phát triển đóng mới và nâng cấp tàu cá công suất 400 CV trở lên, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để tham gia khai thác vùng biển xa; từng bước thay thế tàu vỏ gỗ bằng vật liệu mới.
Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu khai thác thủy sản hướng theo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển. Tăng nghề khai thác hiệu quả như lưới vây, chụp mực; giảm nghề kém hiệu quả như mành đèn, lưới kéo... Tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt vùng nuôi tập trung, đảm bảo đủ điều kiện nuôi thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững và khả năng cạnh tranh cao. Tập trung phát triển đối tượng nuôi chủ lực. Phát triển nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quản lý, nuôi trồng thủy sản”.
Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi xoay quanh chủ đề ổn định sinh kế cho người dân và những kết quả đã đạt được, anh Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng đánh bắt hải sản các loại của xã đạt 5,3 tấn. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với 29,6 ha. Tổng sản lượng thu hoạch quý I đạt 83,1 tấn (tăng 42,4 tấn so với cùng kỳ năm trước). Số cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại gồm có 5 trang trại, trong đó có 2 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Số cơ sở đạt tiêu chí gia trại có 40 gia trại. Các mô hình gia trại, trang trại tổng hợp tiếp tục phát triển về cả quy mô đàn và chất lượng đàn.
Nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Những mô hình phát triển kinh tế VAC, VACR như hộ anh Lê Quang Thảo, chị Bùi Thị Oanh (thôn Sinh Thái), chị Phan Thị Trúc (thôn 9)… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất cát. Giá trị sản xuất các trang trại lớn mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng. Các mô hình gia trại, trang trại tổng hợp tiếp tục phát triển về cả quy mô và số lượng. Cùng với đó là các mô hình trồng đậu đen xanh lòng, trồng ném, kiệu, mướp đắng, trồng cỏ nuôi bò ngày một phát triển. Các hình thức sản xuất phát triển phong phú, đa dạng theo hướng chuyên canh, chuyên hóa nông nghiệp để từng bước sản xuất hàng hóa… Thời gian qua, huyện Triệu Phong đã tập trung chỉ đạo các xã vùng biển khẩn trương khắc phục sự cố, chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản toàn huyện đạt 151 tấn. Nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng, diện tích tôm đang nuôi trên địa bàn huyện là 34,3 ha, tập trung ở các xã Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân. Một số diện tích nuôi muộn cuối năm 2016 đã thu hoạch, sản lượng đạt 330,73 tấn. Trước ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nhiều hộ dân đã chủ động phát triển thêm nghề phụ như trồng trọt, chăn nuôi để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Trong năm 2016, tổng đàn gia súc gia cầm tại các xã vùng biển đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ thực tế đó, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã tiến hành khảo sát các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, phù hợp với khả năng chuyển đổi sinh kế của người dân, tiến hành xây dựng đề án, hỗ trợ kinh phí để cho người dân xây dựng mô hình.
Cụ thể, xã Triệu An xây dựng được 4 mô hình, xã Triệu Vân xây dựng 4 mô hình, Triệu Lăng xây dựng 7 mô hình… Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: “Các xã vùng biển có lợi thế về quỹ đất và mật độ dân cư thưa nên chúng tôi vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân tập trung xây dựng các loại hình trang trại, gia trại, các mô hình VAC. Trong đào tạo nghề, huyện ưu tiên cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp sự cố môi trường biển. Đối với những nơi không có quỹ đất để chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì tổ chức đào tạo nghề cho người dân, tập trung các nghề kỹ thuật đóng, sửa chữa tàu thuyền, nghề dân dụng đi đôi với tìm kiếm thị trường lao động.
Đào tạo một số nghề đón đầu Khu kinh tế Đông-Nam. Đẩy mạnh công tác khôi phục dịch vụ du lịch biển thông qua việc đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng bãi tắm Triệu Lăng, hệ thống nhà hàng để phục vụ khách du lịch, tắm biển. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt hơn cho phát triển tàu thuyền hậu cần nghề cá như khu neo đậu, bến đậu, cảng cá, chợ cá, đường ra biển, hệ thống điện, ao hồ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung kỹ thuật cao. Huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân ổn định sinh kế, an tâm sản xuất”.