Trong một bài viết mới đây, Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR) nhận định, theo nhiều cách, cuộc sống của người Mỹ vẫn chưa hoàn toàn trở lại như thời điểm ban đầu nhưng đã gần với bình thường hơn nhiều so với cách đây hơn nửa năm.
Tuy nhiên, trong khi người dân chờ đợi các nhà chức trách đưa ra một thông báo rõ ràng và tuyên bố rằng đại dịch chỉ còn là lịch sử thì cuộc khủng hoảng này vẫn chưa thể kết thúc, dù là ở Mỹ hay ở bất kỳ nơi nào khác.
Không có mốc thời gian cụ thể cho thời điểm kết thúc
Bài viết nhắc lại việc Mỹ tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 1/2020.
Sau nhiều tháng Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, hiện nay, virus này đã được kiểm soát tốt hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ của vaccine.
Ông Ali Mokdad, một nhà dịch tễ học tại Đại học Washington, được NPR dẫn lời khẳng định rằng không có số liệu cụ thể để xác định thời điểm đại dịch kết thúc bởi bản thân virus Corona vẫn đang phát triển.
"Khi nhìn vào cấu trúc di truyền và trình tự của virus cũng như sự thay đổi của nó, chúng ta có thể khẳng định nó vẫn sẽ tiếp tục đột biến. Virus này có thể tạo ra những điều chúng ta không ngờ tới”, ông nói.
Khi nào thì một đại dịch chính thức kết thúc?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào ngày 11/3 năm ngoái. Vậy khi virus này được kiểm soát, liệu WHO có tuyên bố đại dịch đã chấm dứt?
Về cơ bản thì sẽ như vậy, NPR nhận định.
Khi sự lây lan trên toàn thế giới của COVID-19 dừng lại, nó sẽ không còn được coi là một đại dịch nữa. Đại diện WHO nói với NPR: "Nói chung, nếu sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh được kiểm soát và chỉ còn tồn tại ở một khu vực, chúng ta có thể tuyên bố rằng nó không còn là một đại dịch nữa mà chỉ là một bệnh dịch".
Thông thường, WHO triệu tập một ủy ban quốc tế 3 tháng một lần để xác định xem một vụ bùng phát dịch bệnh có thể được coi là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Khi một dịch bệnh được kiểm soát, WHO tuyên bố dịch bệnh đó kết thúc. Đó là những gì tổ chức này đã làm vào mùa Hè năm ngoái liên quan đến sự bùng phát dịch Ebola ở châu Phi.
Nhưng, đối với COVID-19, có lẽ sẽ không đơn giản như vậy. Như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thường xuyên tuyên bố: "Không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.
Chúng ta vẫn sẽ sống tốt dù COVID-19 vẫn còn tồn tại
Phân tích trên tờ New York Times, Tiến sĩ Aaron E. Carroll của Trường Y, Đại học Indiana, Mỹ, một chuyên gia nghiên cứu về các chính sách y tế, cho rằng cần thực hiện một lộ trình để tiến tới một tình trạng bình thường mới.
“Bình thường mới chưa bao giờ có nghĩa là hoàn toàn an toàn. Một thế giới an toàn hơn có thể sẽ vẫn có COVID-19 trong đó”, Tiến sĩ Carroll nhấn mạnh.
Bởi vậy, theo Tiến sĩ Carroll, tốt nhất, nên giảm dần các hạn chế theo lộ trình, trong khi vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Nếu mọi việc suôn sẻ, có thể cho phép các sự kiện công cộng trong nhà được tổ chức nhiều hơn và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.
Trong tiến trình thực hiện lộ trình trên, cần tiếp tục theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh, số lần nhập viện và tỉ lệ khỏi bệnh.
Ngoài ra, việc xét nghiệm trên diện rộng cũng cần phải tiến hành, ngay cả đối với những người không có triệu chứng, để đo lường được những tiến bộ của cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19. Nếu tất cả suôn sẻ, cuối cùng, chúng ta có thể tính tới việc loại bỏ các yêu cầu về khẩu trang.
Đến lúc đủ số người được chủng ngừa vaccine và tốc độ truyền bệnh được khống chế, chúng ta sẽ đạt được mức độ an toàn hơn rất nhiều so với hiện tại.
“Chúng ta sẽ vẫn sống tốt dù COVID-19 vẫn tồn tại. Không chỉ có vậy, một cuộc sống bình thường mới cũng sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do các căn bệnh truyền nhiễm khác”, tiến sĩ Carroll cho biết.
Vũ Phong (theo New York Times, NPR)