Khảo nghiệm, chọn tạo nguồn giống chất lượng, phục vụ trồng rừng gỗ lớn 

(QT) - Ngày nào cũng vậy, với nhiệm vụ được giao là nhân giống các loài keo lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, Thạc sĩ Lê Xuân Toàn cùng với đội ngũ kỹ sư và nhân viên bộ môn nghiên cứu giống và công nghệ sinh học của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã làm việc cần mẫn, nghiên cứu, phân tích các chỉ số thí nghiệm, khảo nghiệm thành công một số dòng keo lai tự nhiên cùng với quy trình sản xuất giống bằng công nghệ giâm hom, tạo bước đột phá lớn trong việc tăng năng suất rừng trồng và hiệu quả kinh tế của rừng so với trồng các giống cũ trước đây.

Thạc sĩ Lê Xuân Toàn, nghiên cứu viên Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết: “Được giao nhiệm vụ nhân giống các loài keo lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, bộ phận chúng tôi tiến hành tuyển chọn các cây trội ở rừng, lấy mẫu, từ đó vào mẫu, nhân giống. Sau một quá trình thì cho ra rễ, tạo ra được các cây có chất lượng cao, cung cấp cho trồng rừng gỗ lớn, có năng suất chất lượng cao. Đồng thời cung cấp cho người dân xây dựng các vườn ươm nhân giống bằng phương pháp giâm hom”. 

 

Trên cơ sở nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã xây dựng vườn ươm, đồng thời triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 640 ha với nhiều loại giống cây. Qua đó đã khảo nghiệm và chọn tạo được rất nhiều loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhất là các giống cây sinh trưởng nhanh, trong đó có các loại keo, bạch đàn, thông và một số loại cây bản địa. 

 

Đặc biệt đã chọn ra keo lai là một trong những loại cây trồng rừng chủ lực, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Quảng Trị, phục vụ cho chương trình trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến và đảm bảo các điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên hiện tại mỗi năm đơn vị mới sản xuất được khoảng 1 triệu cây giống keo lai theo phương pháp giâm hom, mới chỉ đảm bảo trồng khoảng 500 ha rừng, trong khi đó theo kế hoạch tỉnh Quảng Trị mỗi năm đề ra mục tiêu trồng từ 5.500 đến 6.000 ha rừng thì cần 12 đến 15 triệu cây giống. 

 

Tiến sĩ Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết: “Với nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, trung tâm đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực lâm nghiệp, khảo nghiệm và tuyển chọn được những giống cây có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, giống có chất lượng cao, phục vụ cho việc trồng rừng, đặc biệt trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay tỉnh Quảng Trị đang thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như Sở Khoa học và Công nghệ để chuyển giao một số giống được khảo nghiệm, tuyển chọn, phù hợp với địa phương Quảng Trị cũng như khu vực Bắc Trung Bộ nhằm để nhân rộng giống này đưa vào sản xuất, góp phần giảm thiểu giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc đưa vào trồng trên địa bàn”. 

 

Những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Trị phát triển rừng bền vững, các công ty lâm nghiệp và người dân ở nhiều nơi đã chú trọng trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là nguồn giống chưa đáp ứng nên vẫn còn tình trạng nhập từ các nơi về giống cây lâm nghiệp không đạt chất lượng. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Trị cần tạo điều kiện cho Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ nhân giống, chuyển giao giống có chất lượng, phục vụ cho công tác trồng rừng thâm canh, được cấp chứng chỉ FSC để mang lại nguồn thu nhập cao. 

 

Bá Thuần

 

 

1227 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 707
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 707
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78018496