Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Việc ban hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lĩnh vực hình sự, đặc biệt là yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo khung pháp luật hình sự hữu hiệu nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; bảo vệ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.
“Đặc biệt, BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt như lần đầu tiên Bộ luật quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”, Bộ trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin sẽ góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một Chính phủ công khai, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn trong hoạt động quản lý, điều đất nước, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từng bước đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người của công dân mà Hiến pháp 2013 đã quy định như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Khẳng định việc Quốc hội thông qua BLHS 2015 và Luật Tiếp cận thông tin với những quy định có tính chất đột phá như đã nêu trên là một thành công lớn, tuy nhiên theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để các quy định này nhanh chóng đi vào cuộc sống, được bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm cả nước thì khối lượng lớn công việc phải là rất lớn liên quan trực tiếp đến các cơ quan trong hệ thống bố máy nhà nước.
Để đảm bảo triển khai thi hành luật, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành BLHS và Luật Tiếp cận thông tin trong đó theo chức năng nhiệm vụ của mình, cần tập trung vào các nội dung nhiệm vụ:
Khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành hai đạo luật, bảo đảm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng tiến độ đã đề ra, tạo điều kiện thuận lợi để thi hành luật khi BLHS có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 và Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các VBQPPL để phù hợp với quy định của hai đạo luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Mặt khác, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng trực tiếp thi hành. Quán triệt việc thi hành và tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi BLHS và Luật Tiếp cận thông tin trong nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, giúp cho mọi người nằm được những nội dung dung, tư tưởng mới thể hiện trong hai đạo luật này.
Hội nghị đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản, những quy định mới trong từng chương của Bộ luật Hình sự và Luật tiếp cận thông tin. Cụ thể,BLHS 2015 có nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức, thể hiện rõ tính hướng thiện, tính nhân đạo như: mở rộng áp dụng các hình phạt ngoài tụ; hạn chế hình phạt tử hình; tiếp tục nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trên tinh thần vì lợi ích tốt nhất của các em… đồng thời, cũng thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội pham.
Bộ luật có những sửa đổi cơ bản về các nhóm tội phạm cụ thể nhất là các tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, tham nhũng, các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, xâm phạm hoạt động tư pháp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đồng thời, nội luật hóa một số điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Luật Tiếp cận thông tin đã xác định các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin; quy định cụ thể phạm vi các loại thông tin công dân được tiếp cận, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin cũng như vấn đề công khai thông tin. Luật cũng quy định rõ quy trình cung cấp thông tin cho công dân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận kế hoạch, xác định nội dung công việc cụ thể để đưa các quy định của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, bảo đảm thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước. Trong đó đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đối với mỗi đạo luật, từ việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, tổ chức tập huấn chuyên sâu đến việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm thi hành hiệu quả 2 đạo luật này./.
Thu Hằng