Sáng 20/4, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo đầu tiên đã khai mạc tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hội nghị do Bộ Văn hóa Ấn Độ và Liên đoàn Phật giáo quốc tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Phản ứng với những thách thức đương đại: Từ triết học đến thực tiễn.”
Tham dự hội nghị có hơn 170 đại biểu đến từ khoảng 30 quốc gia và 150 đại biểu đến từ các tổ chức Phật giáo ở Ấn Độ cùng với hơn 30 đại sứ các nước đang công tác tại New Delhi.
Ngoài ra, các học giả nổi tiếng, các nhà lãnh đạo Tăng đoàn và các hành giả Phật pháp từ khắp nơi trên thế giới cũng tham dự hội nghị.
Các diễn giả chính của hội nghị lần này là Giáo sư Robert Thurman - chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Phật giáo Tây Tạng, và Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
[Pháp: Trưng bày sách Phật giáo in bằng kim loại cổ xưa nhất thế giới]
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh thế giới đang trải qua những thách thức từ xung đột, bất ổn kinh tế, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và biến đổi khí hậu.
Ông Modi khẳng định rằng ý niệm của Đức Phật sẽ đưa ra giải pháp cho những vấn đề này.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng giờ là lúc người dân và các quốc gia cần ưu tiên lợi ích toàn cầu cùng với lợi ích của của mỗi nước. Theo đó, thế giới sẽ phải quan tâm tới người nghèo và các quốc gia thiếu tài nguyên.
Nhấn mạnh Ấn Độ đang đi theo con đường do Đức Phật chỉ dạy, Thủ tướng Modi nêu rõ Ấn Độ ngày càng mở rộng các hoạt động giúp đỡ các quốc gia khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo là một nỗ lực nhằm thu hút các nhà lãnh đạo và học giả Phật pháp toàn cầu tham gia thảo luận các vấn đề Phật giáo và các mối quan tâm phổ quát, đồng thời cùng nhau tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về 4 chủ đề: Phật pháp và hòa bình; Phật pháp: Khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững; Bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda; Hành hương theo Phật pháp, Di sản sống và Xá lợi Phật: nền tảng kiên cường cho nền văn hóa hàng thế kỷ của Ấn Độ liên kết với các quốc gia ở Nam, Đông Nam Á và Đông Á”./.
Ngọc Thúy (TTXVN/Vietnam+)