Khai mạc hội nghị mạng lưới các viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ASEAN 

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 3/3, tại Đà Nẵng, Hội nghị thường niên lần thứ 13 và Hội nghị hẹp lần thứ 5 kênh II Mạng lưới các viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ASEAN (NADI) đã chính thức khai mạc.
Khai mạc hội nghị mạng lưới các viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh ASEAN
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, năm 2019 vừa qua, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trong cục diện thế giới và khu vực. Tuy nhiên, tình hình chính trị và an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn, trong đó căng thẳng địa chính trị là đặc điểm nổi bật với hàng loạt các điểm nóng trên thế giới.

Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ và các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh của mỗi quốc gia, cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới. Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang chứng kiến quá trình chuyển dịch địa chính trị diễn ra nhanh chóng và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cọ xát gay gắt giữa các nước lớn.

Tình hình đó vừa mang lại những cơ hội để củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Hơn lúc nào hết, ASEAN cần phải tăng cường đoàn kết, nâng cao sức mạnh nội khối và tinh thần độc lập, tự chủ để thích ứng với biến động của môi trường chính trị, an ninh thế giới và khu vực.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Theo đó, ASEAN cần chủ động thích ứng với biến động địa chính trị thế giới, khu vực; thích ứng với tình hình an ninh đang diễn biến phức tạp; thích ứng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ… nhằm củng cố và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức an ninh chung.

Để làm được điều đó, ASEAN cần phải tăng cường gắn kết, bao gồm gắn kết về lợi ích và trách nhiệm đối với khu vực và lợi ích của cả cộng đồng; gắn kết con người, gắn kết các sáng kiến, chương trình hợp tác. Bên cạnh gắn kết các nước thành viên, ASEAN cũng cần gắn kết với các đối tác, với các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

"NADI với tư cách là kênh học giả, kênh hỗ trợ và tham mưu các ý tưởng, sáng kiến cho kênh I, cần tập trung nỗ lực nghiên cứu, đưa ra những gợi ý và đề xuất thích hợp cho thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đang triển khai và hướng tới; cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu phân tích, đánh giá, dự báo các nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh và đề xuất các giải pháp đối phó với những thách thức về quốc phòng và an ninh của mỗi nước", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 3 và 4/3, với những chương trình nghị sự chính gồm: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và chuyển dịch địa chính trị ở khu vực, cơ hội và thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN; Tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực trong thời gian vừa qua và những vấn đề an ninh đang nổi lên ở khu vực; Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết, tự chủ thích ứng với biến động địa chính trị khu vực; Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN đối với ADMM+.

Trải qua 13 năm kể từ khi được thiết lập, NADI đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN thông qua những đề xuất và khuyến nghị lên Hội nghị Quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cũng như tư vấn chính sách cho chính phủ các quốc gia ASEAN.

Lưu Hương

356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 746
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 746
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77225393