Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thi hành, về cơ bản Luật thanh tra đã góp phần tạo khung pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra. Thông qua thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều vi phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Chức năng, nhiệm vụ lớn nhưng quyền được trao chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ của mình, thiếu quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra. Thực tế hiện nay việc phối hợp chuyển hồ sơ cơ quan điều tra của thanh tra các cấp, các ngành còn nhiều bất cập…
Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra. (Ảnh: TH).
Lý giải cho bất cập, tồn tại trên, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện chỉ ra hiện nay có tới ba cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là Ủy ban kiểm tra, Thanh tra và Kiểm toán, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phải phối hợp dẫn đến hiệu quả không cao, quyền lực tản mạn, bộ máy cồng kềnh.
Trên thực tế việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp cố ý hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh…
Báo cáo của Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra, hiện nay hoạt động thanh tra vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh và thanh tra Sở; nhiều doanh nghiệp phải chịu cảnh “1 cổ mấy tròng”, mỗi năm phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra…
Cần quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra
Ông Nguyễn Văn Kim, Quyền Vụ trưởng, Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ thừa nhận: Đến nay, mô hình, hiệu quả hoạt động thanh tra đang có nhiều bất cập, đặc biệt là mô hình tại các Bộ, ngành. Thực tế thanh tra ngoài rất tốt, nhưng trong chính ngành mình lại chưa được như mong muốn, lấn cấn nhiều điều.
Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa ngành thanh tra và Kiểm toán vẫn đang hiện hữu và chưa có lời giải, có ảnh hưởng đến chức năng tổ chức. Nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, hiện chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính về thanh tra trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn, bất cập trong hoạt động thanh tra, các ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra; có chế tài cụ thể trong việc xử lý đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra.
Để tránh sự chồng chéo, cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực đảm bảo khách quan, công bằng và tiến hành kịp thời, nhanh gọn…không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tổ chức. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, qua 6 năm thực hiện Luật thanh tra cho thấy, cơ bản hoạt động thanh tra cơ bản đạt yêu cầu. Qua thanh tra phát hiện ra những sai phạm và chấn chỉnh. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của thanh tra chuyên ngành chưa rõ; hiện chưa có mối quan hệ chặt chẽ giữa thanh tra Bộ và thanh tra Sở… đòi hỏi phải hoàn thiện cả trong Luật và trên thực tế…/.
Thu Hằng