Kỳ vọng xóa bỏ tảo hôn bằng hương ước 

(QT) - Trăn trở trước thực trạng các cô cậu bé ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sớm nên vợ, nên chồng, thời gian qua, Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp với Tổ chức Plan triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em giai đoạn 2016 - 2019. Cùng với nhiều giải pháp, hiện nay, ý tưởng đưa việc phòng chống tảo hôn vào hương ước, quy ước đang nhận được nhiều sự kỳ vọng.

Anh Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa không thể nhớ hết số lần mình cùng cán bộ địa phương đến tận nhà vận động các bậc phụ huynh không nên ép con em kết hôn sớm. Tuy nhiên, điều khiến anh Hạnh trăn trở nhất là thực trạng tảo hôn trên địa bàn xã vẫn còn tiếp diễn. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, xã Thanh có 13 cặp tảo hôn. Trong đó, nhiều em tuy đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã vội vã “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Hầu hết các em về sống với nhau dưới một mái nhà nhưng không có hôn thú. Khi đến độ tuổi theo quy định của pháp luật, các cặp vợ chồng “trẻ con” này mới dắt díu nhau đến xã để đăng ký kết hôn. Điều đáng nói là hành vi tảo hôn vẫn đang được một bộ phận người dân thản nhiên chấp nhận và xem như chuyện thường ngày ở bản.

 

Anh Hạnh cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng kết hôn sớm. Thế nhưng, hủ tục tồn tại lâu đời này khó có thể xóa được trong ngày một, ngày hai. Từ xưa đến nay, các hương ước, quy ước được dân bản chấp hành rất nghiêm túc. Vì thế, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần đưa nội dung phòng chống tảo hôn vào hương ước, quy ước”. Theo số liệu thống kê của UBND xã Mò Ó, huyện Đakrông, toàn xã hiện có 139 hộ nghèo, chiếm 33,49%. Trong đó, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn đều nằm trong diện mà các cán bộ thường gọi đùa là “nghèo bền vững”. Được biết, đến nay, trên địa bàn xã Mò Ó có 26 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Để ngăn chặn thực trạng nhức nhối này, thời gian qua, cán bộ địa phương đã ra mắt Dự án phòng chống kết hôn trẻ em giai đoạn 2016 - 2019; kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn cho trẻ về sức khoẻ sinh sản vị thành niên; họp giao ban bảo vệ trẻ em hàng tháng; tiến hành sinh hoạt định kỳ cho nhóm trẻ nòng cốt…

 

Xuất phát từ thực tế, vừa qua, lãnh đạo xã Mò Ó đã đề xuất xây dựng quy ước phòng chống kết hôn trẻ em ở hai thôn trên địa bàn xã là Khe Lặn và Ba Rầu. “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu góp phần phòng chống tình trạng kết hôn sớm ở trẻ em”, anh Lê Quang Tố, một cán bộ xã nhấn mạnh. Theo khảo sát của Tổ chức Plan, tại 8 xã trong vùng dự án với 66 thôn bản của hai huyện Hướng Hoá, Đakrông, tính riêng trên tổng số 4.470 trẻ được khảo sát, có 240 trường hợp tảo hôn. Độ tuổi kết hôn trung bình là 16. Cá biệt, có trường hợp lập gia đình khi mới bước sang tuổi 12. Thực tế đáng trăn trở là gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ, lấy chồng đều không tiếp tục đi học.

 

Theo một số liệu đáng chú ý khác do Ban Dân tộc tỉnh cung cấp, giai đoạn 2011 - 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 1.139 trường hợp tảo hôn. Thực trạng này “nóng” ở nhiều địa phương như các xã: Thanh, Hướng Lộc, Hướng Lập, Thuận (huyện Hướng Hoá), Tà Long, Mò Ó, Tà Rụt, Húc Nghì (huyện Đakrông)… Để ngăn chặn thực trạng tảo hôn, Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em giai đoạn 2016 - 2019 đã được khởi động, triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 9/2016. Thời gian qua, Dự án đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Hỗ trợ thiết lập, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em các cấp; tổ chức giao ban nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương để có những giải pháp kịp thời trong phòng, chống kết hôn sớm ở trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em và pháp luật liên quan đến kết hôn sớm; truyền thông về sức hoẻ sinh sản vị thành niên và hậu quả của việc kết hôn sớm; tăng cường sự cộng tác với nhà trường, cộng đồng…

 

Tuy nhiên, việc phòng chống một hủ tục đã tồn tại bao đời vốn không hề dễ dàng. Từ thực tế triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em giai đoạn 2016 - 2019, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và Tổ chức Plan nhận thấy rằng, bên cạnh việc đổi mới các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ sinh kế, tăng cường sự cộng tác với nhà trường, cộng đồng… thì vấn đề quan trọng nhất đó là tạo ra được sự đồng thuận toàn thể bà con dân bản. Trước thực trạng các văn bản pháp luật phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện thì việc xây dựng một quy ước chung về phòng chống kết hôn sớm là hết sức cần thiết.

 

Ông Bùi Văn Thảng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH khẳng định: “Xây dựng quy ước về phòng chống kết hôn sớm có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những trường hợp liên quan đến tảo hôn và tổ chức tảo hôn trong cộng đồng thôn bản. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do người dân đưa ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua nên được toàn thể bà con tự giác chấp hành”. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm phối hợp chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, qua đó đạt được những kết quả nhất định. Theo thống kê gần đây nhất của Sở Tư pháp, tổng số quy ước, hương ước được ban hành trong tỉnh là 1.579/1.144 thôn bản, khu phố. Nội dung của các hương ước, quy ước về cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa quy định của pháp luật với truyền thống văn hoá, phong tục tập quán ở địa phương. Tại nhiều bản quy ước, hương ước, nội dung quy định nam nữ kết hôn phải đúng độ tuổi theo Luật Hôn nhân và Gia đình đã được nêu ra.

 

Tuy nhiên, thực tế, các điều khoản này hầu như chỉ đơn thuần nhắc lại quy định của pháp luật. Cùng với đó, nội dung các bản quy ước, hương ước chưa nêu rõ những biện pháp, chế tài cụ thể để ngăn chặn thực trạng tảo hôn. Vì thế, việc xây dựng nội dung cụ thể, rồi đưa từng điều khoản về phòng chống kết hôn sớm vào quy ước, hương ước của các thôn, bản trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và có cơ sở để thực hiện. Mới đây nhất, tại hội thảo do Sở LĐ,TB&XH cùng Tổ chức Plan phối hợp tổ chức, các đại biểu đều đánh giá cao tính khả thi của giải pháp đưa việc phòng chống tảo hôn vào hương ước, quy ước. Từ thực tiễn địa phương, các cán bộ từ tỉnh đến cơ sở thống nhất xây dựng mô hình điểm tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và Tổ chức Plan thống nhất hợp tác, hỗ trợ nhau thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng kết hôn sớm. Nhiệm vụ trước mắt là hướng dẫn Ban soạn thảo quy ước, hương ước từng thôn bản, khu phố bổ sung nội dung phòng chống tảo hôn. Các điều khoản mới này phải đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, không đi ngược với pháp luật hiện hành và có chế tài, hình thức xử phạt nghiêm khắc. Ông Phan Đình Hiệp, Quản lý vùng Dự án Plan tại Quảng Trị chia sẻ: “Thực ra, một số tỉnh, thành trong nước đã tiên phong đưa nội dung phòng chống tảo hôn vào hương ước, quy ước và mang lại hiệu quả tích cực. Vì thế, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của giải pháp đang được triển khai.

 

Cùng với phát huy sức mạnh của hương ước, quy ước, thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp tăng cường giáo dục, tuyên truyền đối với trẻ chưa thành niên và gia đình của các em về tác hại của việc tảo hôn; tổ chức ký cam kết không tảo hôn; phát huy vai trò của Ban Bảo vệ trẻ em và nhóm trẻ nòng cốt…”.

 

Tây Long

 
 
1152 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 849
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 849
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78014890