Kỳ vọng Fed tăng lãi suất tác động mạnh đến thị trường tài chính Mỹ 

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 8 điểm cơ bản trong tuần qua lên 3,443% và sẽ lập mức cao nhất trong 11 năm mới nếu vượt qua con số 3,495% đã đạt được vào tháng Sáu.
Kỳ vọng Fed tăng lãi suất tác động mạnh đến thị trường tài chính Mỹ

Những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Theo công ty dữ liệu tài chính Refinitiv có trụ sở tại Mỹ, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi một đợt tăng mạnh lãi suất của Fed trong cuộc họp hai ngày 20-21/9 tới, số liệu lạm phát cao hơn dự kiến càng gia tăng đồn đoán về cái gọi là mức lãi suất cuối cùng, hiện là 4,45%.

Khép lại cuộc họp tháng Bảy, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.

Những hy vọng rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất đã tiêu tan trong tuần này khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Tám tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự báo 8,1% của các nhà kinh tế đưa ra trước đó.

[Chủ tịch Fed: Cần tiếp tục hành động "mạnh mẽ" để kiềm chế lạm phát]

Môi trường lãi suất cao không phải là nhân tố tích cực với giá cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/9 đóng cửa trong sắc đỏ và khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ giữa tháng Sáu. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và Nasdaq Composite mất lần lượt 4,1% và 5,5%. S&P 500 cũng mất gần 4,8%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 8 điểm cơ bản trong tuần qua lên 3,443% và sẽ lập mức cao nhất trong 11 năm mới nếu vượt qua con số 3,495% đã đạt được vào tháng Sáu. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo lợi suất có thể kết thúc năm ở mức 3,75%.

Những xu hướng trên không phải là thông tin tích cực đối với khoản nợ của các doanh nghiệp. Danielle Poli, quản lý cấp cao của quỹ đầu tư Oaktree Diversified Income Fund nhận định các nhà đầu tư dường như không tin tưởng lắm vào khả năng của Fed trong việc hỗ trợ nền kinh tế hạ cánh mềm.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng nước này đối mặt với "nguy cơ" suy thoái vì cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể làm giảm tốc tăng trưởng. Do đó, giới chức tài chính Mỹ đang theo dõi sát sao rủi ro này.

Thách thức hiện thời đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ là phải kiềm chế lạm phát trước khi nó "cố thủ" ở quanh các mức cao, nhưng đồng thời không đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái - điều sẽ gây ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

 

162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1136
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1136
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87025888