Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/5 

(ĐCSVN) - Tại Kỳ họp này, bên cạnh việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho công tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa IV.

Họp trực tuyến, không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thông tin về nội dung chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành (từ ngày 20 - 29/5); đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8 - 18/6).

Trong đó, Quốc hội dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ dành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Trong đó, có các dự án Luật, Nghị quyết quan trọng như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. Ảnh: TH.

Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển KT-XH, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội); Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản; các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết về vấn đề quan trọng và Nghị quyết chung của kỳ họp (nếu có).

Theo Chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20/5/2020 và bế mạc vào ngày 18/6/2020.

Cao tốc Bắc - Nam: Sẽ làm rõ thêm sự cần thiết phải chuyển đổi

Liên quan đến việc Chính phủ xin chuyển 8 đoạn đường cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho biết, vừa qua Ủy  ban Kinh tế đã thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ đề xuất chuyển đổi phương thức đầu tư toàn bộ 8 dự án PPP tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công 100%.

Quan điểm của Uỷ ban Kinh tế là chỉ chuyển một số trong 8 dự án thành phần được Quốc hội quyết định đầu tư theo hình thức PPP của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông sang đầu tư công chứ không phải chuyển toàn bộ 8 dự án.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cả hai hình thức đều có khó khăn riêng. Vì thế cần thực hiện theo nghị quyết 52 của Quốc hội là, nếu dự án nào không có nhà đầu tư thì mới chuyển đổi. Mà trong 8 dự án PPP thì hiện nay chỉ có 1 dự án không chọn được nhà đầu tư qua sơ tuyển.

Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sẽ báo cáo thêm và làm rõ thêm sự cần thiết phải chuyển đổi, nếu cần thiết thì chỉ chuyển 1 số đoạn chứ không phải chuyển toàn bộ 8 dự án, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp tiếp theo trước khi quyết định trình Quốc hội…/.

 
Thu Hằng
236 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 909
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 909
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87215599