Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 20/9, hơn 18 triệu cử tri tại 7/20 vùng của Italy đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương, đồng thời trên 46 triệu công dân Italy tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cắt giảm số nghị sỹ quốc hội.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Chính phủ Italy đã quyết định lùi thời gian tổ chức các cuộc bầu cử địa phương so với dự kiến ban đầu là tháng 5/2020, theo đó các cuộc bầu cử này sẽ được tổ chức trong 2 ngày 20-21/9 tại hơn 1.000 thành phố thuộc 7 vùng của Italy gồm Puglia, Campania, Liguria, Marche, Toscana, Valle D’Aosta và Veneto.
Theo giới phân tích, mặc dù các lá phiếu trong những cuộc bầu cử trên không có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy, nhưng phe cực hữu, gồm các đảng Liên đoàn (Lega), Tiến lên Italy (FI) và Anh em Italy (FdI) có khả năng sẽ giành thắng lợi tại nhiều khu vực bỏ phiếu. Do đó, kết quả bầu cử sẽ tác động tiêu cực tới uy tín của liên minh cầm quyền hiện nay với nòng cốt là đảng Phong trào 5 sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD).
[Hạ viện Italy thông qua dự luật cắt giảm hơn 1/3 số nghị sỹ quốc hội]
Trong khi đó, cuộc trưng cầu ý dân về việc cắt giảm số lượng nghị sỹ ở cả hai viện quốc hội được xem là khởi đầu của quá trình cải cách hiến pháp và luật bầu cử của Italy. Kết quả của cuộc trưng cầu này cũng sẽ tác động tới tình hình chính trị tại quốc gia trên, đặc biệt là sự ổn định của chính phủ hiện nay do hai đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền là M5S và PD đang có những bất đồng về vấn đề cắt giảm số nghị sỹ trong quốc hội.
Dự luật cải cách hiến pháp, được Hạ viện Italy thông qua hồi tháng 10/2019, dự kiến sẽ cắt giảm số thành viên tại hạ viện từ 630 xuống còn 400 người và số thành viên tại thượng viện từ 315 xuống 200 người. Dự luật cải cách này được đảng M5S, chính đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Italy, thúc đẩy. Đảng này cho rằng dự luật cải cách nói trên sẽ giúp tinh giản quốc hội và tiết kiệm hàng trăm triệu euro tiền lương cấp cho các nghị sỹ cũng như các chi phí khác./.
(TTXVN/Vietnam+)