Ngày 16/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết sẽ điều thêm binh lính đến thành phố Rafah trong bối cảnh Israel tăng cường các hoạt động quân sự ở thành phố phía Nam Dải Gaza.
Trong thông báo của văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, ông Gallant nói rằng chiến dịch quân sự tại Rafah sẽ tiếp tục với việc bổ sung lực lượng vào khu vực của thành phố này.
Hồi đầu tháng 5, các lực lượng của Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự ở phía Đông thành phố Rafah, mặc dù cộng đồng quốc tế cảnh báo chiến dịch này sẽ đẩy khoảng 1,4 triệu người dân đang tránh trú tại Rafah vào tình cảnh thảm khốc.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.
Phát biểu trực tuyến với các phóng viên, ông Martin Griffiths nói: “Dự trữ thực phẩm đang cạn kiệt. Tôi nghĩ chúng ta đề cập tới việc gần như không còn gì cả. Và vì vậy, hoạt động nhân đạo bị mắc kẹt, hoàn toàn bị mắc kẹt. Chúng tôi không thể làm những gì mình muốn và không thể lập kế hoạch cho hoạt động cứu trợ.”
Cũng theo ông Martin Griffiths, Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trong việc giúp đỡ người dân ở Dải Gaza, trong khi việc vận chuyển hàng viện trợ gần như bị dừng lại ở các khu vực miền Nam và các cuộc giao tranh mới làm tăng thêm thách thức cho hoạt động phân phối.
Khi được hỏi thêm về nguy cơ nạn đói hiện nay, ông Griffiths nói: “Tôi nghĩ đó là mối nguy hiểm ngay lập tức, rõ ràng và hiện hữu vì thực tế cho thấy chúng ta không cần phải là nhà khoa học mới thấy được hậu quả của việc không còn thực phẩm.”
Ông Griffiths, một cựu nhà ngoại giao người Anh và là người từng làm trung gian hòa giải xung đột, sẽ từ chức vào tháng tới vì lý do sức khỏe.
Ông đã bày tỏ lo ngại về tương lai do có nhiều xung đột trong cái mà ông mô tả là một "thế giới giận dữ."
Trước đó, các lực lượng của Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự ở phía Đông thành phố Rafah, mặc dù cộng đồng quốc tế cảnh báo chiến dịch này sẽ đẩy khoảng 1,4 triệu người dân đang tránh trú tại Rafah vào tình cảnh thảm khốc.
Israel tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến cho đến khi đẩy lùi các thành viên Hamas tại thành phố này, trong khi Hamas khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ Rafah.
Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng 600.000 người đã phải buộc phải rời bỏ nơi trú ẩn tại Rafah khi Israel đẩy mạnh hoạt động quân sự ở đó.
Liên quan vấn đề viện trợ Dải Gaza, quân đội Mỹ ngày 16/5 thông báo khoảng 500 tấn hàng viện trợ nhân đạo có thể sẽ đến Gaza trong những ngày tới, sau khi cầu tàu do quân đội Mỹ xây dựng ngoài khơi Gaza được di chuyển vào bờ của vùng lãnh thổ này.
Trước đó cùng ngày, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết quân đội nước này đã lắp đặt xong cầu tàu tiếp nhận viện trợ nhân đạo.
Các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza dự kiến sẽ bắt đầu di chuyển vào bờ từ cầu tàu này trong những ngày tới, sau khi bị trì hoãn một tuần do thời tiết xấu.
Liên hợp quốc sẽ nhận hàng viện trợ và điều phối việc phân phối vào Gaza.
Việc vận chuyển hàng viện trợ qua đường bộ vào Gaza đã bị gián đoạn do biên giới bị đóng cửa và Israel tiến hành các chiến dịch quân sự tại vùng lãnh thổ này. Kế hoạch xây dựng cầu tàu trên được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lần đầu tiên vào đầu tháng 3.
Theo ước tính của Mỹ, cầu tàu trên sẽ cho phép vận chuyển khoảng 90 xe tải chở hàng viện trợ quốc tế tới Gaza mỗi ngày và có khả năng tăng lên 150 xe/ngày sau khi đi vào hoạt động đầy đủ./.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 15/5 tuyên bố phản đối việc Israel nhận trách nhiệm quân sự hoặc dân sự trong quá trình quản lý Dải Gaza sau khi cuộc chiến hiện nay kết thúc.