Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel đưa ra tối 28/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki đã có cuộc điện đàm về vấn đề trên, trong đó hai bên nhất trí các nhóm làm việc của hai nước bắt đầu đối thoại ngay lập tức nhằm cố gắng đạt được nhất trí về dự luật này.
Cuộc đàm phán này được cho là có thể ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, sau khi Hạ viện Ba Lan thông qua dự luật đề xuất phạt tù bất cứ người nào cáo buộc nhà nước Ba Lan đồng lõa với các tội ác của Đức Quốc xã.
Dự luật cũng cấm gọi các trại tập trung của Đức Quốc xã là "trại tử thần Balan."
Phản ứng về động thái trên của Hạ viện Ba Lan, Israel đã triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ba Lan tại Israel Piotr Kozlowski tới trụ sở Bộ ngoại giao Israel để làm rõ vấn đề này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel nhấn mạnh "đạo luật trên sẽ không giúp ích trong việc tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử và có thể sẽ làm tổn hại quyền tự do nghiên cứu cũng như ngăn chặn việc thảo luận về những thông điệp lịch sử và di sản của Chiến tranh Thế giới thứ 2."
Tại cuộc họp nội các hàng tuần của Israel vào ngày 28/1, Thủ tướng Netanyahu đã hối thúc Ba Lan thay đổi dự luật trước khi thông qua lần cuối.
Để có hiệu lực, dự luật trên còn phải được thông qua tại Thượng viện trước khi Tổng thống ký phê chuẩn thành luật.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cùng ngày cam kết sẽ xem xét lại dự luật để đưa ra đánh giá cuối cùng sau khi quốc hội hoàn tất việc xem xét và phân tích kỹ lưỡng dự luật này.
Khoảng 6 triệu người Do thái bị Đức Quốc xã giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó nhiều người chết trong trại tập trung Auschwitz và các trại tập trung khác của Đức Quốc xã ở Ba Lan.
Các nhà lãnh đạo Ba Lan thường xuyên yêu cầu các chính trị gia cũng như truyền thông toàn cầu không gọi các trại này là "trại tử thần Ba Lan," được cho là ám chỉ chính quyền Ba Lan thời điểm đó phải chịu một phần trách nhiệm về các trại này./.