Cuối tuần trước, các lực lượng Iraq đã giành lại Rawa – thị trấn cuối cùng ở khu vực biên giới đang thuộc quyền kiểm soát của IS. Đây là một dấu hiệu báo trước về sự sụp đổ của cái gọi là một “Vương quốc Hồi giáo” do IS tự lập nên sau khi chiếm đóng phần lớn lãnh thổ thuộc miền Bắc và miền Tây Iraq vào năm 2014. Theo nhận định của các tướng lĩnh quân sự Iraq thì việc bảo đảm an ninh tại khu vực sa mạc và biên giới chính là những công việc cuối cùng trong chiến dịch chống IS.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, ngày 21/11, ông al-Abadi nhấn mạnh: “Nhìn từ góc độ quân sự, thì chúng ta đã xóa bỏ được sự hiện diện của Daesh (IS) tại Iraq”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng tỏ rõ sự tin tưởng vào khả năng sớm đưa ra lời tuyên bố chiến thắng trong các chiến dịch đẩy lùi IS tại Iraq.
Những lời bình luận trên được ông al-Abadi đưa ra ngay sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố về sự kết thúc của IS, trong khi một chỉ huy quân sự cấp cao của Iran đã gửi lời tri ân tới hàng nghìn chiến sỹ đã phải bỏ mạng trong các chiến dịch của Iran nhằm truy quét các phần tử IS tại Syria và Iraq.
Cùng ngày, nhà lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei khẳng định, việc giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria có ý nghĩa tương tự như việc đẩy lùi những âm mưu gieo rắc sự chia rẽ và phát động một cuộc nội chiến ở Trung Đông. Bên cạnh đó, ông Khamenei cũng ghi nhận những đóng góp to lớn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong sứ mệnh đẩy lùi IS tại Iraq và Syria.
Tuyên bố trên của các nhà lãnh đạo Iraq và Iran đã chính thức khẳng định về một kết cục mà thế giới đã trông đợi từ lâu, đó là IS đã bị đẩy lùi khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Iraq và Syria. Điều này cũng đồng nghĩa với một thực tế rằng, những ngày tháng tung hoành của IS tại 2 quốc gia Trung Đông này đã kết thúc và giờ tàn của nhóm khủng bố khét tiếng này đã điểm.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của IS
Ở thời điểm ban đầu, IS chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ Iraq và lan sang nước láng giềng Syria với một sức mạnh quân sự không ngừng lớn mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn đối với các phần tử cực đoan dòng Sunni.
Năm 2014, Mỹ và 67 quốc gia khác trên thế giới đã hình thành nên một liên minh quốc tế, với nhiệm vụ chủ yếu nhằm đào tạo, trang bị vũ khí và hỗ trợ sức mạnh trên không cho các lực lượng trong khu vực tham gia cuộc chiến chống IS, chủ yếu tại Iraq. Sau đó, đến cuối năm 2015, Nga quyết định tham gia vào sứ mệnh này thông qua việc hỗ trợ lực lượng của chính phủ Syria và quân đội Iran, ngoài việc trực tiếp không kích vào nhiều mục tiêu của IS.
Vào thời điểm lớn mạnh hùng hậu nhất, IS đã vươn vòi và mở rộng phạm vi thực hiện các vụ tấn công khủng bố sang Paris (Pháp), London (Anh), Brussels (Bỉ) và lan ra cả châu Á. Tuy nhiên, khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố của IS cũng được cho là đã bị suy giảm phần nào do vấp phải các chiến dịch truy quét không khoan nhượng tại các cứ địa ở Iraq và Syria.
Trong vòng 3 năm qua, IS đã trải qua nhiều biến động, từ thời điểm chiêu mộ được hàng nghìn chiến binh nước ngoài dưới chiêu bài chống phương Tây và thực hiện hàng loạt các vụ tấn công khủng bố ở nhiều nước trên thế giới, song rốt cuộc đã phải chuốc lấy thất bại trên chính cứ địa của mình.
Các mối đe dọa từ IS vẫn còn hiện hữu
Tuy nhiên, ngay cả khi đã bị đẩy lùi tại hai cứ địa chính là Iraq và Syria thì các mối đe dọa từ IS vẫn còn hiện hữu khi duy trì sự hiện diện của mình tại hàng chục quốc gia khác trên thế giới, gồm: Libya, Afghanistan, Philippines và thậm chí cả ở châu Phi. Các mối đe dọa của IS cũng ngày càng lan rộng dưới nhiều hình thức, không chỉ dừng lại ở các phần tử IS rải rác trên thế giới mà còn dưới các hình thức truyền bá tư tưởng cực đoan bạo lực.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch giải phóng Raqqa – một thành trì của IS tại Syria, đã có hàng nghìn chiến binh của IS bỏ chạy khỏi thành phố này, mang theo vũ khí và đạn dược. Điều nguy hiểm nhất là những chiến binh này, trong đó có cả những đối tượng nước ngoài gia nhập IS là họ đã được truyền bá tư tưởng thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới.
Trong khi đó, việc IS bị đánh bại ở Iraq và Syria cũng không thể khiến cho người dân hai nước này được tận hưởng một niềm vui trọn vẹn khi vẫn còn nhiều mối lo ở phía trước. Tại Iraq, cộng đồng thiểu số người Kurd đã tiến hành trưng cầu dân ý để đòi độc lập – một diễn biến được cảnh báo là có nguy cơ trở thành một nguồn cơn xung đột mới tại quốc gia Trung Đông này. Tình hình tại nước láng giềng Syria cũng không sáng sủa hơn khi cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua vẫn đang tiếp diễn dai dẳng mà không biết tới bao giờ mới đi tới hồi kết.
Trong khi đó, một số nhà phân tích còn cảnh báo rằng, mối quan hệ vốn đã không yên ả giữa Israel, Ả rập Xê út và Iran sẽ càng trở nên căng thẳng hơn sau khi cuộc chiến chống IS giành thắng lợi đã gia tăng đáng kể tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
IS đã đại bại ở Trung Đông. Đây không phải là thành quả của riêng ai mà đó là sức mạnh tổng lực của nhiều nước trên thế giới đã chung tay trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, sau khi IS bị đẩy lùi thì tương lai của Trung Đông cũng không sáng sủa hơn là bao khi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chia rẽ, mâu thuẫn sắc tộc, cạnh tranh vị thế ảnh hưởng…Thắng lợi trong cuộc chiến chống IS đã trở thành một minh chứng cho thấy, để đạt được bất kỳ mục tiêu nào, dù là thống nhất dân tộc tại Iraq, thiết lập hòa bình tại Syria hay xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn giữa các nước trong khu vực... thì tất cả đều cần tới một yếu tố không thể thiếu, đó là sự quyết tâm, đồng lòng và cùng chung chí hướng./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)