Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran ngày 6/4 đưa tin trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đã rơi vào bế tắc, một khối lượng tài sản đáng kể bị phong tỏa của Iran đã được giải phóng theo một thỏa thuận riêng biệt với JCPOA.
IRNA dẫn một nguồn thạo tin cho biết, một phần đáng kể các nguồn ngoại tệ bị phong tỏa của Iran đã được giải phóng sau khi một thỏa thuận mới độc lập với JCPOA được hoàn tất.
Theo IRNA, số tài sản này lớn hơn "nhiều lần" so với 470 triệu euro được giải phóng gần đây theo một thỏa thuận giữa Iran và Anh. Thỏa thuận giải phóng tài sản ở nước ngoài của Iran này tách biệt với JCPOA và là thỏa thuận giải phóng tài sản lớn thứ hai của Tehran trong những tuần gần đây.
Việc giải phóng các tài sản của Iran diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế Iran đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua.
[Iran nêu điều kiện trở lại đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo]
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Oji cho biết mặc dù Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với ngành dầu khí của Iran, sản lượng dầu thô của nước này đã phục hồi trở lại các mức trước thời điểm Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Tehran. Công suất sản xuất dầu hiện nay của Iran đạt trên 3,8 triệu thùng/ngày.
Ông Javad Oji nói thêm: "Chúng tôi hy vọng với nỗ lực của toàn ngành dầu khí, kim ngạch xuất khẩu dầu thô, khí ngưng tụ, các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu của Iran sẽ đạt cao hơn trong năm 2022 (bắt đầu từ ngày 21/3/2022 theo năm lịch Iran)."
Trước đó, người đứng đầu Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), ông Mohsen Khojasteh-Mehr hồi tháng 1/2022 cho hay doanh thu từ dầu mỏ của Iran đã tăng đáng kể trong vài tháng qua và nước này đã nhận được tất cả các khoản thanh toán tiền bán dầu kể từ khi Iran có nội các mới.
Các chỉ dấu kinh tế tích cực đã được ghi nhận giữa lúc các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna vẫn trong tình trạng bế tắc do phía Mỹ được cho là không sẵn sàng đưa ra các quyết định chính trị mạnh mẽ.
Theo truyền thông Iran, sự phục hồi kinh tế của nước này cũng cho thấy thực tế là Mỹ cần khôi phục JCPOA hơn là Iran. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Iran với mục tiêu sử dụng chúng làm đòn bẩy để có được những nhượng bộ từ phía Iran. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đó đang ngày mất tác dụng./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)