Cùng ngày, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông al-Jaafari nhấn mạnh: “Vấn đề này đang được nghiên cứu một cách rất chi tiết… Mọi quyết định cần thiết nhằm tăng cường sức mạnh của Iraq sẽ được đưa ra ngay sau đó…Thật đáng tiếc là sức mạnh trọng yếu của Iraq đã bị tổn thất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố…Ngày hôm nay, chúng tôi sẵn sàng thực hiện bất kỳ bước đi nào nhằm bảo đảm an ninh của chúng tôi”.

 

Trong khi đó, Đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour Hadi lại khẳng định trước phóng viên rằng, vấn đề này đã không được đề cập tới trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Nga-Iraq diễn ra tại Moscow. “Không có đoàn đại biểu nào tới Moscow để xúc tiến thương vụ mua hệ thống S-400…Khi nào chính phủ Iraq quyết định mua S-400, thì tất nhiên, thông tin này sẽ được công bố, và vấn đề này cũng sẽ được thảo luận giữa hai nước” – đại diện ngoại giao Iraq nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, trong một tuyên bố trước đó, người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq – ông Hakim al-Zamili cho biết nước này đang tìm cách mua hệ thống vũ khí phòng không S-400 nhằm bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc không kích.

 

Trả lời hãng tin Sputnik của Nga, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Iraq – ông Muataz Mahi Abdel Hamid khẳng định nước này cần trang bị các hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không S-400 do Nga sản xuất và đa dạng hóa các loại vũ khí nhập khẩu trong bối cảnh điều gọi là “chiến lược quân sự phương Tây” đã tỏ ra thất bại tại quốc gia này. “Các nhà lãnh đạo Iraq đã nhận ra tính cần thiết của việc chuyển sang chiến lược quân sự phương Đông (và các đối tác phương Đông). Chiến lược quân sự phương Tây – vốn bắt đầu được thực thi sau năm 2003 đã tỏ ra thiếu hiệu quả và không thể kiểm soát đầy đủ được các chiến dịch quân sự” – ông Abdel Hamid nói.

 

Ngày 27/2, tại thủ đô Moscow của Nga đã diễn ra phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Nga-Iraq về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ được đồng chủ trì bởi Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari.

 

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO là SA-21 Growler) là một hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Hệ thống này bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 2007. S-400 được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo (gồm cả tên lửa tầm trung) và nhằm vào các mục tiêu trên bộ. Một tổ hợp S-400 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 400 km và ở độ cao lên tới 30 km. Cho tới nay, hệ thống tên lửa phòng không tối tân này mới chỉ được trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga. Ngoài ra, Nga hiện có kế hoạch bán S-400 cho 4 đối tác bên ngoài gồm: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ả rập Xê út.

 

Giới quan sát hiện đang lo ngại về việc Iraq cân nhắc mua các hệ thống S-400 của Nga sẽ khiến mối quan hệ giữa Baghdad và Washington trở nên căng thẳng. Cách đây ít lâu, Mỹ đã cảnh báo một số nước, trong đó có Iraq về hậu quả của việc mở rộng hợp tác quân sự với Nga cũng như theo đuổi các thương vụ mua bán các loại vũ khí tối tân, đặc biệt là hệ thống tên lửa S-400. Ngày 22/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Washington đã giải thích với một số nước, trong đó có Iraq về tầm quan trọng của Đạo luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), cũng như những hậu quả có thể xảy ra nếu như các nước này phê chuẩn thỏa thuận hợp tác quân sự với Moscow.

 

Trước đó, ngày 2/8/2017, CAATSA đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành thành luật nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên một số nước gồm Iran, Triều Tiên và Nga./.

Thu Lan (Theo TASS, PressTV)