Đây là tuyên bố do người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo giới tại cơ sở phản ứng nước nặng Arak thuộc miền Tây Nam Iran, ngày 17/6.
Ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Kể từ thời điểm này, Iran sẽ bắt đầu đếm ngược tới điểm vượt qua giới hạn dự trữ 300 kg urani được làm giàu và chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn này trong vòng 10 ngày… Điều này được thực hiện dựa trên Điều 26 và 36 trong thỏa thuận hạt nhân, và sẽ được đảo ngược vào thời điểm các bên tham gia ký kết khác tôn trọng các cam kết của họ”.
Phát ngôn viên này cho biết thêm, Iran có thể sẽ tăng lượng urani làm giàu lên mức 20% để sử dụng tại các lò phản ứng của nước này. Đây cũng là mức cao hơn nhiều so với quy định của JCPOA cho phép Iran làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 3,67%. Cũng theo ông Kamalvandi thì Iran đã tính tới nhiều phương án, trong đó có việc áp dụng mức làm giàu urani 3,67% tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr hay đặt ra giới hạn làm giàu urani ở mức độ 20% tại lò phản ứng nghiên cứu Tehran.
Tuyên bố phá vỡ giới hạn dự trữ urani được Iran đưa ra chỉ ít lâu sau khi vào đầu tháng 5/2019, Iran cho biết nước này đã thông báo cho các đại diện ngoại giao của 5 nước còn lại tham gia JCPOA (gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về quyết định thu hẹp một số cam kết trong văn kiện đa phương này, đồng thời cảnh báo về kịch bản Iran sẽ nối lại các hoạt động làm giàu urani ở cấp độ cao hơn trong vòng 60 ngày tới nếu như các nước châu Âu không thể đưa ra các biện pháp bảo vệ Iran trước các lệnh cấm vận mà Mỹ đã đưa ra.
Cơ sở phản ứng nước nặng Arak của Iran. (Ảnh: PressTV)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã lên tiếng cảnh báo kịch bản Iran sẽ ngừng tuân thủ các biện pháp giới hạn dự trữ lượng urani làm giàu và lượng nước nặng được quy định trong JCPOA. Chính quyền Tehran thậm chí còn để ngỏ khả năng sẽ “hành động xa hơn nữa” vào ngày 8/7 tới đây, trừ khi các bên còn lại trong JCPOA có thể hỗ trợ nước Cộng hòa Hồi giáo này né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Trong bối cảnh trên, ông Kamalvandi cho rằng, hiện các nước châu Âu vẫn còn thời gian để cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015.
Phát ngôn viên này nói: “Cứ mỗi ngày trôi qua, Iran lại gia tăng trữ lượng urani với một vận tốc cao hơn… Và nếu như các nước châu Âu vẫn muốn duy trì bản thỏa thuận này thì họ cần nỗ lực tối đa… Họ càng thực hiện các cam kết sớm chừng nào, thì mọi điều sẽ tự nhiên quay trở lại trạng thái ban đầu sớm chừng đó”. Ông Kamalvandi cũng chỉ ra một thực tế rằng, các nước châu Âu đã tỏ ra “thiếu năng lực hành động”, song lưu ý thêm rằng “vẫn còn thời gian để các nước này có thể hành động”.
“Tuy nhiên, nếu như các nước này muốn có thêm thời gian thì điều đó cũng đồng nghĩa rằng họ hoặc là không thể, hoặc là không muốn tuân thủ các cam kết đã đưa ra… Các nước châu Âu không nên nghĩ rằng sau thời hạn 60 ngày mà Iran đã ấn định trong tuyên bố đưa ra vào tháng 5/2019, thì họ sẽ được tiếp tục gia hạn thêm 60 ngày nữa” – ông Kamalvandi nêu rõ.
Những tuyên bố mới nhất của Iran được cho là sẽ làm lu mờ triển vọng duy trì JCPOA, hâm nóng trở lại một hồ sơ gai góc nhất tại Trung Đông cũng như khiến mối quan hệ giữa Iran và Mỹ thêm căng thẳng.
Phát biểu trong cuộc báo tại Paris, ngày 17/6, Tổng thống Pháp Emanuel Macron tin tưởng rằng các bên vẫn còn cơ hội hành động từ nay cho tới thời hạn ngày 8/7 mà Iran để ấn định để có thể cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. “Chúng tôi và các đối tác của chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thuyết phục Iran và tìm kiếm một con đường đối thoại khả thi” – ông Macron nói.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – bà Federica Mogherini cho biết sẽ chờ cho tới khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo đánh giá về các bước đi hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hưởng ứng lời kêu gọi trên của đại diện EU, đồng thời kêu gọi Iran tiếp tục giữ vững bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng, các nước còn lại trong JCPOA sẽ hỗ trợ Iran trong việc thực thi bản thỏa thuận này./.
Thu Lan (Theo báo chí Iran)