Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/9, ông Rouhani thông báo nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ nghiên cứu và phát triển tất cả các loại máy ly tâm mới, bắt đầu từ ngày 6/9. Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc nghiên cứu và phát triển các loại máy ly tâm mới sẽ được thực hiện nhằm phục vụ cho các mục tiêu hòa bình, dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Ông Rouhani chỉ tiết lộ rằng, việc phát triển các máy ly tâm mới là nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động làm giàu uranium của Iran mà không công bố mức độ cụ thể. Tuy nhiên, ngày 3/9, một phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEO) đã lên tiếng cảnh báo về khả năng Iran có thể nâng mức làm giàu uranium lên 20% chỉ trong vòng 2 ngày.
Giới phân tích nhìn nhận tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Iran là nhằm tiếp tục phát đi thông điệp cảnh báo về khả năng cắt giảm sâu hơn các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử trong bối cảnh đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hiện Iran đang kêu gọi các nước châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân gồm: Anh, Pháp và Đức gây sức ép để buộc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, từ đó giúp chính quyền Tehran nhận được những lợi ích về kinh tế theo tinh thần của bản thỏa thuận được ký kết năm 2015.
Tuyên bố được ông Rouhani đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ sáng kiến do Pháp đưa ra nhằm xoa dịu căng thẳng với Iran, đồng thời tiếp tục có động thái gia tăng áp lực kinh tế lên Iran khi tuyên bố treo thưởng cho các thông tin giúp chặn đứng các hoạt động mà Washington cho là “buôn lậu dầu mỏ” của Iran.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Biarritz (Pháp) vào cuối tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tìm kiếm vai trò trung gian nhằm hóa giải mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran khi thuyết phục người đồng nhiệm Mỹ D.Trump chấp thuận một đề xuất giúp xây dựng lòng tin với Iran. Theo đó, Iran sẽ quay trở lại tuân thủ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử để đổi lấy việc gỡ bỏ từng phần các lệnh cấm vận dầu mỏ từ phía Mỹ và một khoản hạn mức tín dụng 15 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Ngay lập tức, đề xuất của Pháp đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía ông D.Trump với điều kiện Mỹ không phải đóng góp gì cho khoản hạn mức tín dụng trên.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 4/9, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran – ông Brian Hook lại tỏ ra hoài nghi về “sự tồn tại” của đề xuất mà Pháp đã đưa ra. Ngày 4/9, tờ The Guardian dẫn lời ông Hook nói: “Không hề tồn tại một đề xuất cụ thể nào. Chúng tôi không có ý tưởng gì về sự tồn tại của bất cứ đề xuất nào. Vì thế, chúng tôi sẽ không bình luận về điều không hề tồn tại”./.
Thu Lan (Theo NHK, The Guardian)