Iran nhấn mạnh áp lực và trừng phạt không phải là giải pháp 

Ngày 23/11, người đứng đầu AEOI, ông Mohammad Eslami nhấn mạnh việc gây áp lực chính trị và đưa ra những nghị quyết trừng phạt Tehran không phải là giải pháp để tháo gỡ các vấn đề giữa Iran và IAEA.
Iran nhấn mạnh áp lực và trừng phạt không phải là giải pháp

Ngày 23/11, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami nhấn mạnh việc gây áp lực chính trị và đưa ra những nghị quyết trừng phạt Tehran không phải là giải pháp để tháo gỡ các vấn đề giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Quan chức Iran trên nêu rõ áp lực chính trị và các hành động gây áp lực làm suy yếu tiến trình thỏa thuận và đàm phán sẽ nhận lại những phản ứng đáp trả từ Iran.

Hãng thông tấn chính thức của Iran, IRNA, dẫn lời ông Eslami lưu ý rằng AEOI đã nâng cao năng lực làm giàu urani tại các cơ sở Natanz và Fordow đồng thời khẳng định toàn bộ quá trình vận hành nằm trong khuôn khổ các quy định của IAEA.

[IAEA và Nga thảo luận vấn đề an toàn của nhà máy Zaporizhzhia]

Theo đó, tại cơ sở Fordow, năng lực làm giàu urani đã tăng từ 20% lên 60% và sẽ thay thế những máy ly tâm đời đầu bằng những máy ly tâm thế hệ mới đồng thời cải tiến năng lực bơm khí cho các lò ly tâm ở cơ sở Natanz. Ông Eslami bày tỏ hy vọng các đối tác phương Tây tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 một cách khách quan nhất.

Trước đó,ngày 22/11, AEOI thông báo bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại nhà máy hạt nhân Fordow nằm dưới lòng đất như một phần các biện pháp đáp trả việc IAEA mới đây thông qua nghị quyết trừng phạt Iran. Để chế tạo bom nguyên tử đòi hỏi urani phải được làm giàu tới mức 90%, vì vậy 60% là một bước quan trọng tiến tới mục tiêu làm giàu urani ở cấp độ vũ khí.

Cùng ngày, Anh, Pháp và Đức cùng ngày ra cũng tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran trong khi Nhà Trắng cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại trước những bước nâng cấp chương trình hạt nhân Iran.

Tuần trước, IAEA đã thông qua một nghị quyết do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất, kêu gọi Iran hợp tác với các giám sát viên trong việc điều tra các dấu vết hạt nhân tại một số cơ sở chưa được công bố. Đây là nghị quyết thứ 2 trong vòng một năm qua  yêu cầu Tehran hợp tác trong cuộc điều tra nói trên.

Do Iran yêu cầu chấm dứt điều tra nên đây cũng là điểm gây bế tắc trong các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc thế giới, tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 655
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 655
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77966991