Động thái trên của Iran được thực hiện tròn 1 năm sau khi Mỹ đơn phương thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức) tại Vienna (Áo) năm 2015, với kỳ vọng khép lại một hồ sơ hạt nhân gai góc tại Trung Đông.

Truyền thông Iran cho biết, Tổng thống Rouhani đã thông báo về quyết định này cho toàn thể người dân Iran trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Kênh truyền hình vệ tinh PressTV của Iran đưa tin, ngày 8/5, Đại sứ của 5 nước còn lại tham gia JCPOA tại Iran gồm: Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc đã được mời tới trụ sở Bộ Ngoại giao Iran và được Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Arachi trao một bức thư từ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, thông báo về việc Tehran ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đa phương này.

 

Bức thư trên nêu rõ, những quyết định cụ thể liên quan tới vấn đề này được đưa ra bởi Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran (SNSC) do Tổng thống Rouhani đứng đầu, nhằm mục tiêu “bảo vệ an ninh và những lợi ích của dân tộc Iran”, dựa trên các điều khoản 26 và 36 trong JCPOA.

 

Thông điệp của Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran đã kiềm chế tối đa và tỏ rõ sự kiên nhẫn kể từ sau thời điểm Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018, đồng thời tạo khoảng trống thời gian để các nước ký kết còn lại tìm kiếm giải pháp “bù đắp” trước động thái của Washington cũng như bảo đảm các lợi ích của Iran. Tuy nhiên, 5 nước còn lại tham gia JCPOA đã không thể đưa ra bất kỳ biện pháp khả thi nào nhằm xoa dịu tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran – vốn đã được áp đặt trở lại kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Chính vì thế, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có quyền khôi phục sự cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ của của mình trong JCPOA, và không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt các cam kết của mình trong khuôn khổ bản thỏa thuận. Cụ thể, vào thời điểm hiện tại, Iran sẽ không còn ràng buộc mình trước cam kết về những giới hạn đã được đề cập tới trong bản thỏa thuận về việc dự trữ lượng nước nặng và uranium làm giàu. Thông điệp trên cũng truyền tải tối hậu thư của SNSC gia hạn cho các đối tác của Iran thời hạn 60 ngày để thực hiện các cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ. “Vào thời điểm những yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, thì chúng tôi sẽ hành động trong một phạm vi tương ứng và nối lại việc thực hiện các cam kết. Nếu không, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục ngừng thực hiện thêm các cam kết theo từng bước một… Iran sẵn sàng tiếp tục tham vấn ở mọi cấp độ với các bên còn lại tham gia JCPOA, song sẽ phản ứng nhanh chóng và kiên quyết trước bất kỳ biện pháp vô trách nhiệm nào, gồm cả việc trả lại hồ sơ hạt nhân cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay áp đặt thêm các lệnh trừng phạt ” – bức thư của Tổng thống Rouhani viết.

Trong thông điệp gửi tới đại diện ngoại giao các nước, Iran cũng tỏ thiện chí khi theo đuổi tiến trình ngoại giao kéo dài, gồm cả các vòng đàm phán dẫn tới việc ký kết hay thực thi bản thỏa thuận hạt nhân. Một lần nữa, thiện chí này lại được thể hiện bằng thái độ kiên nhẫn chờ đợi của Iran sau thời điểm Mỹ rút khỏi JCPOA để các bên còn lại có thể thực hiện đầy đủ các cam kết đã đưa ra. Chính vì thế, giờ đã tới lượt các bên còn lại trong JCPOA cần chứng minh thiện chí, cũng như đưa ra những biện pháp “nghiêm túc và khả thi” để hướng tới việc bảo vệ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Iran cho rằng Mỹ và các bên còn lại ký kết JCPOA phải chịu trách nhiệm trước nguy cơ sụp đổ của bản thỏa thuận này cùng các hậu quả có thể kéo theo sau đó.

 

Động thái của Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về tình hình Tehran leo thang với việc Mỹ cho biết nước này đang triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới vùng Vịnh để bảo vệ những lợi ích của Mỹ trong khu vực. Hãng tin CNN và một số phương tiện truyền thông khác cho biết, hiện giới chức Mỹ đang nghi ngờ về việc Iran đã sử dụng tàu thủy để đưa một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn và khu vực Vịnh Persian và đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn tới quyết định triển khai lực lượng của Mỹ.

 

Trong khi đó, giới quan sát cũng dự báo rằng, động thái mới nhất của Iran sẽ càng khiến hiệu lực của JCPOA bị lu mờ và khiến triển vọng duy trì bản thỏa thuận hạt nhân này vượt xa khỏi tầm với. Việc hâm nóng trở lại hồ sơ hạt nhân gai góc của Iran cũng được cho là có nguy cơ khiến cho tình hình tại “chảo lửa Trung Đông” tiếp tục tăng nhiệt trong những ngày tới./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)