Trả lời phỏng vấn truyền hình tối 28/8, đại diện ngoại giao Iran nêu rõ: “Chúng tôi chỉ đối thoại với các nước châu Âu về 11 yêu cầu cụ thể của chúng tôi (dựa trên JCPOA) và sẽ không đàm phán với Mỹ…Không một quốc gia nào lại chấp nhận việc bước vào đàm phán trong khi đang phải đối mặt với sức ép tối đa, bởi hành động này cũng đồng nghĩa với đầu hàng”.
Ông Araqchi tái khẳng định lập trường cho rằng, các vòng đối thoại giữa Mỹ và Iran trong khuôn khổ JCPOA chỉ có thể trở thành sự thật nếu như Washington gỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt chống lại Tehran.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày, ông Araqchi cho biết, Iran đã chấp nhận lời mời của Pháp nhằm tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Biarritz với điều kiện “sẽ không diễn ra bất kỳ cuộc đối thoại hay cuộc gặp gỡ nào, ngay cả các cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên giữa đại diện Iran với phía Mỹ”.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran cảnh báo, nếu các nước châu Âu tỏ ra thất bại trong việc tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, thì nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ thực hiện “bước đi thứ 3” nhằm tiếp tục cắt giảm các nghĩa vụ trong JCPOA.
Những thông điệp trên được đại diện ngoại giao Iran đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hassan Rouhani bác bỏ đề xuất của Pháp để tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và nêu điều kiện Washington cần gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cấm vận nếu thực sự muốn tìm kiếm cơ hội đàm phán với Tehran. Theo quan điểm của ông Rouhani thì hiện Mỹ đang kiểm soát vấn đề và có giải pháp để kết thúc cuộc khủng hoảng. “Mỹ cần nới lỏng lệnh trừng phạt, còn ngược lại, thì tiến trình đàm phán sẽ không đạt được kết quả tích cực” – nhà lãnh đạo Iran cảnh báo.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Kuala Lumpur (Malaysia), ngày 29/8, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng nhắc lại lập trường trên và tuyên bố lãnh đạo tối cao của Iran sẽ không gặp Tổng thống D.Trump trừ khi Washington ngừng các hành vi “khủng bố kinh tế” gây tổn hại đến những người dân bình thường của Iran. Ông Zarif khẳng định Iran có quyền cắt giảm cam kết trong JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, song có thể dễ dàng đảo ngược tình thế nếu như Mỹ cũng tôn trọng cam kết của nước này và quay trở lại bàn đàm phán.
Từ tháng 5/2019 cho tới nay, Iran đã vận dụng các điều khoản 26 và 36 trong JCPOA để ngừng thực hiện một số cam kết trong bản thỏa thuận hạt nhân ký kết với nhóm P5+1 (gồm: Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) tại Vienna (Áo) năm 2015 để tăng trữ lượng uranium làm giàu vượt quá ngưỡng 300 kg và có độ tinh khiết vượt 3,67% theo quy định của JCPOA. Thậm chí Iran cũng đã từng cảnh báo kịch bản sẽ thúc đẩy việc làm giàu uranium ở mức 20% và nối lại hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Chính quyền Tehran tuyên bố, các biện pháp “ăn miếng trả miếng” này sẽ được đảo ngược ngay sau khi châu Âu tìm ra các phương thức khả thi để bảo vệ nền kinh tế Iran trước tác động từ các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, vốn được áp đặt trở lại sau khi Tổng thống D.Trump rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018.
Khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ-Iran vốn dĩ đã âm ỉ từ lâu, và được dự báo sẽ còn kéo dài do lập trường của hai bên vẫn còn nhiều khác biệt. Về phía Iran nêu điều kiện sẽ chỉ nối lại đàm phán sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt, còn Mỹ lại giữ vững quan điểm duy trì các biện pháp gây sức ép để “đặt dấu chấm hết” cho chương trình phát triển hạt nhân của Iran trước khi quay trở lại bàn đàm phán./.
Thu Lan (Theo PressTV, trtworld.com)