Ngày 19/8, hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Zarif cho rằng, các nước châu Âu cần “hành động vượt xa khuôn khổ những lời tuyên bố để hướng tới các bước đi thực tế” nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015 – hay còn được biết đến với tên gọi bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đại diện ngoại giao Iran ghi nhận, cho tới nay, các nước châu Âu tham gia JCPOA đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy một gói các biện pháp cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Tuy nhiên, ông Zarif cho rằng, hiện các hành động mà châu Âu đưa ra mới chỉ dừng lại ở việc “tuyên bố về lập trường” hơn là các biện pháp cụ thể.
Sau tiến trình đàm phán kéo dài, vào tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Anh, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Đức) đã thông qua JCPOA, quy định Iran giới hạn các hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lấy lệnh gỡ bỏ trừng phạt từ các nước phương Tây. Bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử này được xem là một văn kiện mang tính chất toàn diện, chấm dứt 13 năm tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran và khép lại một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại.
Tuy nhiên, đến ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ có động thái gây tranh cãi khi tuyên bố rút khỏi JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran để buộc chính quyền Tehran thay đổi thái độ mà Mỹ cho là "chưa phù hợp".
Cách đây ít lâu, Liên minh châu Âu đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran trong một phần nỗ lực nhằm thể hiện rõ quyết tâm duy trì JCPOA sau sự ra đi của Mỹ. Không chỉ dừng lại ở đó, các nước châu Âu còn ủy quyền cho Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) hậu thuẫn tài chính cho các dự án của Iran, đồng thời lưu ý thêm rằng, ngân hàng này có quyền đưa ra tiếng nói quyết định trong việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư.
Phản ứng trước diễn biến trên, ông Zarif cho rằng, các nước châu Âu cần chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Ngày 19/8, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Es'haq Jahangiri tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này đang tìm kiếm giải pháp để có thể tiếp tục xuất khẩu dầu thô sau khi Mỹ quyết định tái áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Iran vào tháng 11/2018.
Cùng ngày, kênh truyền hình vệ tinh PressTV dẫn lời ông Jahangiri nhấn mạnh, các nước châu Âu đã cam kết thực hiện các biện pháp hỗ trợ trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Iran phát huy hiệu lực để có thể bù đắp cho những thiệt hại mà Tehran có thể phải gánh chịu.
Theo nhận định của ông Jahangiri thì hiện một số công ty tư nhân, đa phần là của châu Âu, đã rời bỏ thị trường Iran sau khi Mỹ công bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, hành động của các công ty này được nhà lãnh đạo Iran cho rằng “chưa thực sự quyết đoán”. Ông Jahangiri hy vọng rằng, các nước châu Âu sẽ tuân thủ các cam kết đã đưa ra, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Iran đã lên kịch bản ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra./.
Thu Lan (Theo Xinhua, PressTV)