Thông điệp trên được ông Zarif đưa ra trong bài trả lời hãng truyền thông Al Jazeera, nhân dịp nhà ngoại giao Iran đang thực hiện chuyến thăm chính thức tới Qatar, ngày 12/8.
Ông Zarif chỉ ra rằng, trong năm ngoái, Mỹ đã bán 50 tỷ USD vũ khí cho khu vực này trong khi lại có nhiều nước, dù chỉ với số dân khiêm tốn song lại mạnh tay chi cho các hoạt động mua vũ khí. Ví dụ như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, với dân số chỉ khoảng 1 triệu người đã chi 22 tỷ USD còn Ả rập Xê út đã bỏ ra 87 tỷ USD cho các hoạt động này.
“Nếu nói về các mối đe dọa ở Trung Đông, thì các mối đe dọa này đến từ việc Mỹ và các nước đồng minh đang đổ vũ khí về khu vực, biến nơi này trở thành một mồi lửa sẵn sàng bốc cháy” – ông Zarif cảnh báo.
Đề cập tới quyết định gần đây của Mỹ nhằm hình thành một liên minh hải quân với mục tiêu được tuyên bố là nhằm “bảo vệ hoạt động của các tàu thương mại” tại vùng Vịnh, ông Zarif lo ngại rằng, việc tăng cường hiện diện của các tàu chiến ở khu vực này sẽ chỉ làm “gia tăng bất ổn”.
Trong cuộc gặp cùng ngày với người đồng cấp Qatar – ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, Ngoại trưởng Zarif đã mạnh mẽ bác bỏ ý tưởng thiết lập sự hiện diện quân sự nước ngoài tại vùng Vịnh, xem đây là một “sự thất bại đã được tiên lượng trước” và chỉ làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực.
Ngày 30/6, Mỹ đã chính thức yêu cầu Đức cùng Anh và Pháp tham gia liên minh hải quân ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Ngoại trưởng Đức Minister Heiko Maas bác bỏ chỉ 1 ngày sau đó, còn Pháp lại tỏ thái độ “do dự”.
Đầu tháng 8/2019, tờ Bloomberg nhận định những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng liên minh hải quân ở vùng Vịnh đang chỉ “thu được kết quả khiêm tốn”, khi mà một nước đồng minh chủ chốt của Mỹ là Australia vẫn chưa đưa ra tiếng nói cuối cùng.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Thiếu tướng Amir Hatami khẳng định an ninh khu vực chỉ có thể được bảo đảm bởi các nước trong khu vực và sự hiện diện của các nước bên ngoài chỉ kéo theo sự mất an ninh, bất ổn và các hệ lụy tương tự.
Trong thời gian trở lại, tình hình tại khu vực vùng Vịnh – một tuyến hải lộ chiến lược và là nơi trung chuyển khoảng 20% lượng dầu mỏ của thế giới đã trở nên căng thẳng sau khi Mỹ cáo buộc Iran thực hiện 2 vụ tấn công tàu chở dầu trên biển Oman vào tháng 5 và 6/2019. Tuy nhiên, Iran đã mạnh mẽ bác bỏ các lập luận trên của Mỹ, coi đây chỉ là những lời cáo buộc “vô căn cứ”.
Tháng 6/2019, tên lửa đất đối không của Iran đã bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ. Iran tuyên bố chiếc máy bay đã vi phạm không phận nước này, còn Mỹ lại khẳng định chiếc máy bay đang hoạt động ở vùng không phận quốc tế. Diễn biến này đã khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao và có nguy cơ vượt “lằn ranh đỏ” khi Tổng thống D.Trump tuyên bố kế hoạch tấn công vào 3 mục tiêu trên lãnh thổ Iran để trả đũa vụ bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công quân sự đã bị hủy bỏ vào phút chót do người đứng đầu Nhà Trắng xem đây là một “phản ứng không tương xứng”./.
Thu Lan (Theo aljazeera.com, PressTV)