Tờ Iran Daly cho biết, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, ông Salehi nêu rõ: “Nếu như Mỹ không tuân thủ các cam kết trong Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA – tên gọi khác của bản thỏa thuận hạt nhân 2015), thì nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ đưa ra những quyết định có nguy cơ ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác hiện nay với IAEA”.
Cũng trong ngày 8/1, thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ đã có kế hoạch hủy hoại thỏa thuận hạt nhân từ năm ngoái và có khả năng sẽ tiếp tục hành động theo chiều hướng này trong thời gian tới.
“Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ theo đuổi mọi nỗ lực để hủy hoại JCPOA…Tại Iran, chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống” – ông Araqchi nói. Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao này của Iran cũng cảnh báo thêm rằng, nếu như chính quyền Mỹ quyết tâm phá bỏ thỏa thuận hạt nhân, thì cộng đồng quốc tế và khu vực sẽ phải hứng chịu những thiệt hại to lớn nhất bởi điều này sẽ đánh dấu sự biến mất của một thành tựu trên chính trường quốc tế. “Khu vực của chúng ta sẽ không trở nên an toàn hơn nếu thiếu vắng JCPOA” – ông Araqchi nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 13/10/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố bác bỏ xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Động thái này, tuy không rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, song lại mở ra thời hạn 60 ngày để Quốc hội nước này quyết định về việc liệu có nên áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt trừng phạt Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân hay không.
Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng qua, Quốc hội Mỹ đã không đưa ra nghị quyết nào đề cập tới việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Việc Quốc hội Mỹ không có động thái nào liên quan tới vấn đề này có nghĩa rằng, trách nhiệm đã bị đẩy về phía Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo này phải đối mặt với thời hạn chót vào trung tuần tháng 1/2018 để đưa ra quyết định về việc liệu có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Iran hay không.
Trong một tuyên bố cách đây ít lâu, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Nhà Trắng đang đối thoại với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ dựa trên một “nền tảng rất tích cực” nhằm duy trì vị trí của Mỹ là một nước từng tham gia ký kết JCPOA.
Sau hành trình dài tiến hành đàm phán, vào tháng 7/2015, 6 cường quốc gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức (hay còn gọi là nhóm P5+1) và Iran đã thông qua thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Kể thời điểm trên cho tới nay, JCPOA được đánh giá là đã đóng vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, đồng thời trở thành một động lực thúc đẩy các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân mà cộng đồng quốc tế đang theo đuổi.
Trong khi đó, IAEA – với vai trò là bên giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran cũng đã 8 lần thừa nhận về sự tuân thủ của nước Cộng hòa Hồi giáo này đối với thỏa thuận hạt nhân 2015.
Hiện đang xuất hiện một số ý kiến lo ngại về kịch bản thu hẹp mối quan hệ giữa Iran và IAEA trong thời gian tới, vì cho rằng một vai trò giám sát quốc tế mạnh mẽ từ IAEA sẽ góp phần ngăn cản Iran phát triển bom hạt nhân dù Tehran đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ khả năng này./.
Thu Lan (Theo Xinhua, igeeksapps.com, Iran Daily)