Iran cảnh báo tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử 

(ĐCSVN) – Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ thực hiện bước đi thứ 5 nhằm thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký kết với các cường quốc vào năm 2015, nếu như các nước châu Âu đã từng đặt bút ký kết không thực hiện những biện pháp thiết thực để cứu vãn thỏa thuận.
Iran cảnh báo tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Ngày 22/12, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani cảnh báo: “Nước Cộng hòa Hồi giáo này đã khởi động các bước đi khác nhau để cắt giảm các cam kết hạt nhân hòa bình nhằm duy trì và cân bằng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử (hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA). Và nếu như các nước châu Âu không thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ, thì chúng tôi sẽ thực hiện bước đi thứ 5”.

Trong tuyên bố cùng ngày, ông Shamkhani cũng cho biết thêm rằng, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm ngoái, 3 nước châu Âu tham gia ký kết (gồm: Anh, Đức, Pháp) đã cam kết sẽ bảo đảm các lợi ích kinh tế của Iran dựa trên cơ sở tuân thủ và duy trì tính hiệu lực của bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Quan chức an ninh hàng đầu của Iran cáo buộc Tổng thống D.Trump đã có hành động khơi mào cho việc cắt giảm các cam kết trong JCPOA bằng việc rút khỏi bản thỏa thuận này và sau đó, các nước châu Âu đã hoàn tất các bước đi của Mỹ bằng việc “phớt lờ” các cam kết của họ trong JCPOA.

Đây là lời hồi đáp của ông Shamkhani trước một tuyên bố do Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đưa ra ngày 17/12, cho rằng, 3 nước châu Âu vẫn duy trì cam kết đối với JCPOA, song cảnh báo rằng các bước đi của Iran sẽ thách thức tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Đầu tháng 11/2019, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad khẳng định, việc nước Cộng hòa Hồi giáo này cắt giảm các cam kết trong bản thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 là một “lời cảnh tỉnh” đối với các bên ký kết còn lại. Tuần trước, đại diện ngoại giao này cũng đã lên tiếng xác nhận việc Iran đã bơm gas vào các máy li tâm tại cơ sở Fordow và xem đây là một “lời cảnh báo” trước thế giới rằng “chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng”.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump đã đơn phương rút khỏi bản JPCOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt “hà khắc chưa từng có tiền lệ” nhằm vào Iran. Đáp lại động thái trên của Mỹ, Iran đã 4 lần vận dụng các điều khoảng 26 và 36 trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử để rút lại một số cam kết. Tuy nhiên, Iran cũng khẳng định rõ ràng lập trường rằng, các biện pháp trả đũa này sẽ được “đảo ngược” ngay sau khi các nước châu Âu tìm ra cách thức khả thi để bảo vệ các hoạt động hợp tác thương mại với Iran trước sức ép trừng phạt của Mỹ.

Ở bước đi thứ nhất, Iran đã tăng trữ lượng uranium làm giàu vượt ngưỡng trần 300 kg được quy định trong JCPOA. Đến bước đi thứ 2, Iran đã bắt đầu nâng mức làm giàu uranium tới độ tinh khiết vượt quá giới hạn 3,76% mà JCPOA đề cập tới.

Bước đi thứ 3 được Iran thực hiện sau khi các nước châu Âu bỏ lỡ thời hạn chót 60 ngày để đáp ứng các yêu cầu mà Iran đưa ra cũng như hoàn tất các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã cho khởi động các máy li tâm tối tân để tăng cường trữ lượng uranium làm giàu, đồng thời kích hoạt một chuỗi gồm 20 máy li tâm IR-4 và 20 máy li tâm IR-6 nhằm phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu và phát triển.

Gần đây nhất, vào tháng 11/2019, Iran đã bắt đầu bơm gas vào các máy li tâm tại cơ sở hạt nhân Fordow. Đây là bước đi thứ 4 của Iran nhằm cắt giảm các cam kết trong JPCOA và được thực hiện dưới vai trò giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Hiện Iran đang cáo buộc các nước châu Âu ký kết bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử thất bại trong việc thực hiện các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc bình thường hóa các mối quan hệ thương mại với Iran. Vào tháng 1/2019, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông báo về việc thành lập một kênh thanh toán các giao dịch của châu Âu (gọi là Công cụ INSTEX về hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương với Iran và né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, thiện chí mới chỉ dừng lại ở sự hứa hẹn và INSTEX vẫn chưa được ứng dụng vào thực tế.

Trả lời phỏng vấn trên hãng thông tấn Mehr vào cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mojtaba Zonnour cho biết, nếu như cơ chế INSTEX do châu Âu đề xuất được vận hành thì Tehran có thể “cân nhắc lại” về việc thực hiện bước cắt giảm thứ 5 trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử./.

 
Thu Lan (Theo PressTV, MNA)
228 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 937
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 937
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169764