Phát biểu với báo giới, ông Zanganeh nhấn mạnh kể cả trong ngắn hạn, điều này cũng không thể xảy ra, dù Mỹ đang có kế hoạch thực hiện. Ông nêu rõ không có khách hàng nào của Iran, ngoại trừ Hàn Quốc, đã ngừng mua dầu.
Ngày 23/9 vừa qua, Bộ Dầu mỏ Iran xác nhận Hàn Quốc đã ngừng nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trước khi xuất hiện mối đe dọa trừng phạt của Mỹ, Seoul nhập khẩu dầu thô của Iran với số lượng 180.000 thùng/ngày.
Bất chấp sự phản đối toàn cầu, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran hồi tháng Tám vừa qua.
Gói trừng phạt đầu tiên cấm Tehran mua USD, giao dịch vàng và các kim loại hiếm khác, cũng như việc sử dụng than chì, nhôm, thép, than đá và phần mềm trong hoạt động công nghiệp.
Gói trừng phạt thứ 2 dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/11 tới, trong đó nhằm vào các lĩnh vực đóng tàu, vận tải đường biển, năng lượng, cảng, các giao dịch liên quan đến dầu mỏ của Iran và các thỏa thuận làm ăn giữa các tổ chức tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.
Cùng ngày, đại diện của Iran tại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Hossein Kazempour Ardebili cho rằng Saudi Arabia và Nga sẽ không tăng thêm nhiều sản lượng dầu cho thị trường do thiếu năng lực sản xuất, đồng thời dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng.
Trước đó một ngày, các nước thành viên OPEC và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ, trong đó có Nga, đã loại bỏ khả năng tăng ngay sản lượng dầu, từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ.
Động thái này góp phần đẩy giá dầu thô lên gần 81 USD/thùng, mức cao nhất trong 4 năm qua.
Ông Ardebili nhấn mạnh tác động của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ cũng sẽ khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm, qua đó thúc đẩy đà tăng của giá dầu./.