Iran bác đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đưa ra tuyên bố sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Tehran và Washington.
Iran bác đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ

Ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đưa ra tuyên bố trên sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Tehran và Washington.

Phát biểu trong cuộc họp báo hằng tuần, ông Khatibzadeh nhấn mạnh: "Cách tiếp cận đối với Mỹ trong chính sách của chúng tôi không thay đổi."

Chánh Văn phòng của Tổng thống Iran, ông Mahmoud Vaezi, cũng bác bỏ bất kỳ ý định nào của Tehran liên quan việc đàm phán trực tiếp với Washington.

Ông Vaezi tuyên bố Mỹ "phải thừa nhận những sai lầm" trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt Iran và nên hủy bỏ các lệnh trừng phạt đó, đồng thời cho rằng Washington phải tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA.

[Tổng thống Iran Rouhani để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ]

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết ông đã có các cuộc thảo luận "thành công" trong ngày 7/9 với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif về các chủ đề "hòa bình, phát triển kinh tế và nhân quyền."

Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter sau các cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Cassis nêu rõ: "Chúng tôi có thể cùng thiết lập Kênh nhân đạo Thụy Sĩ (SHTA) để chuyển lương thực và thuốc tới cho người dân Iran.”

SHTA là một cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng viện trợ gồm thực phẩm, y tế cùng các hình thức viện trợ nhân đạo khác tới Iran mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Chia sẻ trên Twitter, Ngoại trưởng nước chủ nhà mô tả cuộc đàm phán trên là "tuyệt vời", đồng thời "đánh giá cao các nỗ lực của Thụy Sĩ" nhằm làm giảm bớt các bước đi tiêu cực của Mỹ.

Theo kế hoạch, trong khuôn khổ chuyến công du ba ngày tới Tehran, Ngoại trưởng Cassis cũng sẽ diện kiến Tổng thống Hassan Rouhani và dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Iran.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.

Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran đang là cơ quan đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ với Tehran sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Thụy Sĩ cũng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc trao đổi tù binh giữa Tehran và Washington./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

 

347 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1025
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1026
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87091156