IOM cho rằng tăng cường hợp tác cũng sẽ giúp hỗ trợ các nước thành viên ở biên giới phía Nam của EU nhận được sự giúp đỡ, đồng thời hỗ trợ và tiếp nhận những người được giải cứu trên biển.

"Kể từ khi triển khai (hoạt động) Mare Nostrum, Italy đã liên tục thể hiện thiện chí và quyết tâm triển khai các phương tiện và khả năng cần thiết để cứu lấy các sự sống và quản lý hàng trăm nghìn người đến bờ biển của họ trong những năm gần đây ở khắp Địa Trung Hải, và trong quá trình này, đã cứu được hàng trăm nghìn sự sống" – Tổng giám đốc IOM William Lacy Swing cho biết. "Việc tiếp nhận những người di cư được cứu không thể coi là một vấn đề chỉ đối với Italy mà còn đối với cả châu Âu nói chung".

Theo ông Eugenio Ambrosi, Giám đốc IOM tại EU, ưu tiên hàng đầu trong trường hợp xảy ra đánh chặn trên biển là nhanh chóng đưa những người di cư tới "nơi an toàn" theo luật quốc tế để cứu và bảo vệ các sự sống. Ông lưu ý các quốc gia phải đoàn kết trước, trong và sau khi tiếp nhận những người di cư, tôn trọng quyền của họ và cứu sống họ, đồng thời vẫn giữ được lợi ích của cộng đồng sở tại.

Ngoài ra, IOM cũng ghi nhận và hoan nghênh các công việc không biết mệt mỏi của nhiều tổ chức phi chính phủ đã triển các khai hoạt động cứu hộ, chiếm tới 40% số hoạt động cứu hộ ở trung tâm Địa Trung Hải vào năm ngoái. IOM nhấn mạnh các tổ chức phi chính phủ cần tiếp tục làm việc mà không bị cản trở và phù hợp với luật biển quốc tế. Theo IOM, tất cả những thay đổi trong tương lai sẽ phải phối hợp tốt nhằm không làm ảnh hưởng đến khả năng các tổ chức phi chính phủ thực hiện hoạt động cứu trợ trong trường hợp thiếu vắng các hoạt động cứu trợ phối hợp của Liên minh châu Âu.

Tổ chức Di cư Quốc tế nhắc lại rằng EU không thể tiếp tục đối phó với tình hình đang ở chế độ "khủng hoảng" như hiện tại và không thấy các biện pháp thay thế để giải quyết những vấn đề cơ cấu rộng lớn hơn với ưu tiên cao hơn, các biện pháp lâu dài hơn và tăng cường hợp tác của toàn châu Âu nói chung.

Theo IOM, gần 12.000 người di cư đã được cứu và đưa đến Italy chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 24/6 tới nay. Tuy nhiên, Văn phòng IOM tại Roma báo cáo rằng đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận một số lượng lớn các lượt người di cư tới đây trong thời gian ngắn như vậy. Theo cơ quan này, lượng người di cư được ghi nhận trong tháng 6/2017 (23.411 người) tương tự như lượt người cùng trong tháng 6/2016 (22.371 người) và tháng 6/2015 (22.877 người).

Tính tới ngày 3/7, 85.183 người di cư đã được cứu vào năm 2017. Những người tới Italy đã tăng gần 19% so với năm ngoái, nhưng phù hợp với xu hướng chung ổn định trong những năm gần đây.

IOM ước tính đến nay ít nhất 2.247 người di cư đã thiệt mạng trong vùng Địa Trung Hải vào năm 2017, số lượng dự kiến ​​sẽ gần với con số kỷ lục 5.000 trường hợp thiệt mạng được ghi nhận vào năm ngoái. Cho đến nay, 7.354 người đã chuyển giao cho các nước thành viên EU khác từ Italy trong chương trình tái định cư của EU./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Euronews)