Trong báo cáo mới nhất, IOM lưu ý rằng con số thống kê toàn cầu chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới, mặc dù nó tăng 0,1% so với mức được chỉ ra trong báo cáo gần đây nhất xuất bản 2 năm trước. "Con số này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ dân số thế giới (3,5%), điều đó có nghĩa là phần lớn dân số thế giới (96,5%) cư trú tại quốc gia nơi họ sinh ra" – IOM giải thích.
Theo IOM, hơn một nửa số người di cư quốc tế (141 triệu) sống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ước tính 52% số người di cư này là nam giới và gần 2/3 số người di cư tìm kiếm việc làm, tương đương khoảng 164 triệu người.
Hầu hết người di cư đến từ Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc
Ấn Độ vẫn là quốc gia xuất xứ lớn nhất đối với người di cư quốc tế, với 17,5 triệu người sống ở nước ngoài, tiếp theo là Mexico (11,8 triệu) và Trung Quốc (10,7 triệu).
Kết quả khác cho thấy số lượng lao động nhập cư đã giảm nhẹ ở các nước thu nhập cao, từ 112,3 triệu xuống còn 111,2 triệu, nhưng đã tăng ở những nơi khác.
Các nước thu nhập trung bình cao ghi nhận mức tăng lớn nhất, từ 17,5 triệu đến 30,5 triệu người di cư quốc tế.
Lượng kiều hối đạt 689 tỷ USD
Đồng thời, kiều hối quốc tế cũng tăng lên 689 tỷ USD trong năm 2018, với Ấn Độ (78,6 tỷ USD), Trung Quốc (67,4 tỷ USD), Mexico ( 35,7 tỷ USD) và Philippines (34 tỷ USD).
Mỹ vẫn là quốc gia phát hành kiều hối lớn nhất với 68 tỷ USD, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (44,4 tỷ USD) và Ả Rập Saudi (36,1 tỷ USD).
Người di cư châu Phi có xu hướng không rời khỏi lục địa
Mặc dù hầu hết người di cư đã đến Mỹ song báo cáo của IOM cũng xác nhận các hành lang di cư quan trọng khác từ những nước nghèo nhất đến các nước giàu nhất, chẳng hạn như đến Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi.
Theo IOM, xu hướng này có thể sẽ giữ nguyên trong nhiều năm, đặc biệt là khi dân số ở một số tiểu vùng và các nước đang phát triển dự kiến sẽ tăng trong những thập kỷ tới, điều này sẽ gây áp lực di cư lên các thế hệ tương lai.
Tại châu Phi, châu Á và châu Âu, hầu hết người di cư quốc tế vẫn ở trong khu vực nơi họ sinh ra, nhưng không phải là phần lớn người di cư từ châu Mỹ Latinh, Caribbean và Bắc Mỹ.
Tại châu Đại Dương, cuối cùng, mức độ di cư vẫn giữ nguyên trong năm 2019.
Ở Trung Đông, dữ liệu cho thấy các quốc gia vùng Vịnh có số lượng lao động nhập cư tạm thời lớn nhất thế giới, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi họ chiếm gần 90% dân số.
Xung đột liên quan đến số lượng dịch chuyển kỷ lục
Tổ chức Di cư Quốc tế lưu ý các cuộc xung đột và bạo lực hiện đang diễn ra ở Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Myanmar, Nam Sudan, Syria và Yemen đã dẫn đến sự dịch chuyển nội bộ lớn trong vòng 2 năm qua. Bộ phận quan sát di cư nội bộ của IOM chỉ ra rằng 41,3 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vào cuối năm 2018 – một kỷ lục kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê vào năm 1998.
Syria có dân số người di cư nội địa lớn nhất với 6,1 triệu người, tiếp theo là Colombia (5,8 triệu) và Cộng hòa dân chủ Congo (3,1 triệu).
Sau gần 9 năm xung đột, Syria cũng là quốc gia có nguồn gốc tị nạn lớn nhất, với hơn 6 triệu người, tiếp theo là Afghanistan (khoảng 2,5 triệu), trong tổng số gần 26 triệu người.
Cuối cùng, liên quan đến tác động của khí hậu và thiên tai, báo cáo lưu ý rằng cơn bão Mangkhut ở Philippines đã góp phần khiến cho 3,8 triệu người gần đây đã phải di dời ở khu vực này vào cuối năm 2018, số lượng lớn nhất thế giới./.