Indonesia tung hàng chục tỷ USD kích thích kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Indonesia sẽ phân bổ 356.500 tỷ rupiah (24,04 tỷ USD) cho các gói kích thích trong năm 2021 để phục hồi kinh tế và tăng cường hệ thống chăm sóc y tế.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ phân bổ 356.500 tỷ rupiah cho các gói kích thích ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng như tăng cường hệ thống chăm sóc y tế, bao gồm cả việc cung ứng vaccine phòng ngừa COVID-19.

Trong Thông điệp quốc gia thường niên đọc trước Quốc hội hôm 14/8 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo cũng cam kết sẽ tiếp tục kéo dài các gói kích thích của năm nay tới năm 2021, gồm các chương trình bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đồng thời sẽ nới lỏng tài khóa nhằm hỗ trợ cho chương trình nghị sự của chính phủ.

Theo đó, Chính phủ Indonesia sẽ giải ngân 25.400 tỷ rupiah trong năm tới cho hệ thống chăm sóc y tế, trong đó có kinh phí mua vaccine phòng ngừa COVID-19, hỗ trợ các phòng thí nghiệm và các cơ sở chăm sóc ý tế. Chính phủ cũng sẽ giải ngân 110.200 tỷ rupiah cho bảo trợ xã hội, trong đó có Chương trình hy vọng gia đình, hỗ trợ tiền mặt và chương trình thẻ lao động...

Indonesia đã quyết định chi 695.200 tỷ rupiah cho các gói kích thích trong năm nay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và ứng phó với các tác động của đại dịch, trong đó có khoản thâm hụt ngân sách nhà nước dự kiến lên tới 6,34% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kinh tế Indonesia trong quý II/2020 lần đầu tiên suy giảm trong hơn 20 năm qua do tác động từ cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Điều đáng lo ngại là có khả năng Indonesia rơi vào nhóm các nước phục hồi kinh tế yếu nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Cơ quan thống kê Indonesia ngày 5/8 công bố báo cáo cho biết kinh tế Indonesia sụt giảm 5,3% trong quý II/2020. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này giảm sút kể từ quý I/1999 - thời điểm xảy ra cuộc khủng khoảng tài chính châu Á.

Ngay sau khi số liệu thống kê nêu trên được công bố, công ty nghiên cứu Capital Economics đánh giá hoạt động kinh tế ở Indonesia đều sụt giảm mạnh trong quý II vừa qua mà nguyên nhân là do thiếu biện pháp khống chế dịch COVID-19 hiệu quả và không có chính sách hỗ trợ tương xứng.

Theo Capital Economics, điều này sẽ dẫn tới việc Indonesia có khả năng trở thành một trong những nước phục hồi chậm nhất trong khu vực.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Với hơn 270 triệu dân, Indonesia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để vực dậy nền kinh tế, tuy nhiên, số ca nhiễm mới liên tục gia tăng tại nước này.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 115.000 ca nhiễm, bao gồm hơn 5.300 ca tử vong.

An Bình

243 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 429
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 429
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88670860