Indonesia tung gói kích thích kinh tế trị giá 43 tỷ USD 

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chương trình phục hồi kinh tế quốc gia của Chính phủ Indonesia nhằm mục đích kích thích cung-cầu để phục hồi kinh tế.
Indonesia tung gói kích thích kinh tế trị giá 43 tỷ USD

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE).

Phát biểu tại họp báo ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chương trình phục hồi kinh tế quốc gia của Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường hỗ trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, cấp các ưu đãi thuế, bơm vốn cho các SOE và miễn giảm lãi suất tín dụng cho các MSME.

Theo bà Mulyani, các nỗ lực này nhằm mục đích kích thích cung-cầu để phục hồi kinh tế. Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.

[Indonesia công bố 6 chính sách tiền tệ nhằm ổn định hệ thống tài chính]

Theo kế hoạch trên, chính phủ sẽ cứu trợ 12 SOE, chủ yếu dưới hình thức hoàn trả các chương trình trợ cấp và đầu tư vốn lưu động, nhằm giảm tác động của đại dịch. Các chủ thể được ưu tiên gồm Công ty Điện lực nhà nước PLN, Công ty Dầu khí Pertamina và Hãng Hàng không quốc gia Garuda.

Bộ trưởng Mulyani nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ hỗ trợ cho các SOE đóng “vai trò chiến lược,” đang bị ảnh hưởng của đại dịch.

Chính phủ cũng sẽ miễn giảm lãi suất, tổng trị giá 34.150 tỷ rupiah, cho khoảng 60 triệu khách hàng nhằm ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, 87.590 tỷ rupiah sẽ dùng để hỗ trợ các chương trình tái cơ cấu nợ của cho các ngân hàng. Mạng lưới an sinh xã hội sẽ được cấp 172.100 tỷ rupiah, cao hơn nhiều so với kế hoạch trước đó là 110.000 tỷ rupiah. Quyết định tăng ngân sách dành cho mạng lưới an sinh xã hội được đưa ra dựa trên một dự báo của chính phủ, theo đó 1,89-4,89 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói và 3-5,23 triệu người có thể bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mulyani cho biết thêm chính phủ tiếp tục miễn giảm tiền điện cho hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 VA/tháng và giảm giá 50% cho khách hàng có mức tiêu thụ điện tới 900 VA/tháng đến tháng 9/2020. Đây là một trong những bước đi của chính phủ để duy trì mức tiêu dùng hàng ngày, một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Indonesia đã cung cấp điện miễn phí trong 3 tháng (từ tháng Tư) cho 24 triệu hộ gia đình có mức tiêu thụ điện 450 VA/tháng - mức thấp nhất trong bảng giá điện bậc thang gồm 6 mức theo quy định hiện hành, và giảm giá 50% giá điện trong 3 tháng cho 7 triệu hộ gia đình khác có mức tiêu thụ điện tới 900 VA/tháng.

Ngoài việc miễn giảm tiền điện cho các hộ gia đình, một chính sách khác được chính phủ đưa ra để duy trì mức tiêu dùng của người dân là tăng thời gian hỗ trợ tiền mặt thông qua Quỹ Làng xã (BLT) từ 3 tháng lên 6 tháng, cụ thể là đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ bổ sung giảm từ 600.000 Rp mỗi tháng từ tháng 4-6/2020, xuống còn 300.000 Rp từ tháng 7-9/2020. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho người dân đến tháng 12/2020./.

Hữu Chiến-Đình Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

393 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 908
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 908
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199788