Indonesia lựa chọn đàm phán để giải cứu phi công New Zealand 

Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Indonesia (TNI) cho biết Indonesia sẽ không triển khai chiến dịch giải cứu quân sự và chỉ thực hiện các cuộc thương lượng để đảm bảo con tin có thể bình an vô sự.
Indonesia lựa chọn đàm phán để giải cứu phi công New Zealand

Ngày 11/4, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Indonesia (TNI), Đô đốc Yudo Margono xác nhận sẽ chỉ sử dụng biện pháp đàm phán để giải cứu phi công người New Zealand bị một nhóm phiến quân vũ trang bắt làm con tin hôm 7/2.

Ông Margono cho biết Indonesia sẽ không triển khai chiến dịch giải cứu quân sự và chỉ thực hiện các cuộc thương lượng để đảm bảo con tin có thể bình an vô sự.

Theo ông Margono, Indonesia đủ khả năng để thực hiện các biện pháp mang tính quân sự nhưng cách này có thể gây rủi ro đến tính mạng con tin, nên cách tiếp cận nhẹ nhàng và nhẫn nại sẽ phù hợp hơn. Ông Margono nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Indonesia là đảm bảo an toàn cho tất cả.

TNI sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch giải cứu thông qua biện pháp hòa bình, với sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng cũng như chính quyền địa phương.

Các nguồn thạo tin cho biết hiện con tin đang bị giam giữ ở một vùng hẻo lánh không dễ tiếp cận.

[Phi công và 5 hành khách bị phiến quân Papua bắt làm con tin]

Ngày 7/2, các tay súng đòi ly khai ở khu vực miền Đông bất ổn Papua của Indonesia đã bắt giữ một phi công người New Zealand làm con tin sau khi đốt cháy một máy bay thương mại nhỏ vừa hạ cánh xuống khu vực miền núi Nduga.

Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Papua Ignatius Benny Adi Prabowo cho biết giới chức đang điều tra vụ việc, trong khi cảnh sát và quân đội được cử đến khu vực trên để xác định vị trí của phi công và 5 hành khách.

Tuy nhiên, ông Ignatius lưu ý: "Chúng tôi không thể cử nhiều người đến đó vì Nduga là khu vực khó tiếp cận. Chúng tôi chỉ có thể đến đó bằng máy bay."

Theo người phát ngôn quân đội ở Papua, phi công bị bắt giữ có tên Philip Merthens và không rõ liệu 5 hành khách đi cùng có bị bắt cóc hay không.

Trong một tuyên bố, Quân Giải phóng Quốc gia Tây Papua (TPNPB) đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công trên, đồng thời khẳng định sẽ không thả phi công cho đến khi Chính phủ Indonesia công nhận nền độc lập của Tây Papua.

TPNPB không đề cập đến các hành khách, song cho biết đây là lần thứ hai nhóm này bắt giữ con tin sau một vụ việc vào năm 1996./.

Văn Phong (TTXVN/Vietnam+)

 

120 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 989
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 989
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87202770