Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết quốc gia này khuyến khích Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành mỏ neo ổn định kinh tế toàn cầu.
Trong tuyên bố ngày 5/1, đại diện nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023 nhấn mạnh: “Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích ASEAN trở thành một khu vực ổn định và hòa bình để đóng vai trò mỏ neo ổn định kinh tế toàn cầu.”
Ông Airlangga cho biết nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia sẽ mang chủ đề “Tầm quan trọng của ASEAN: Tâm điểm tăng trưởng,” trong đó vế thứ nhất bao gồm 3 yếu tố chính là năng lực và hiệu quả, sự thống nhất và vai trò trung tâm.
[Kỳ vọng của Indonesia trên cương vị chủ tịch ASEAN 2023]
Bộ trưởng Airlangga cho rằng “Tâm điểm tăng trưởng” gắn liền với vai trò của ASEAN là trung tâm tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, gồm 4 yếu tố thiết yếu là cấu trúc y tế, khả năng phục hồi năng lượng, khả năng phục hồi lương thực và sự ổn định tài chính.
Ông Airlangga cho biết thêm Indonesia sẽ thúc đẩy 3 vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế - bao gồm phục hồi và tái thiết, kinh tế kỹ thuật số, và phát triển bền vững - mà việc triển khai thực hiện được trình bày chi tiết trong 16 mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) trong năm 2023.
Bộ trưởng Airlangga nêu rõ: “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia sẽ nhấn mạnh việc xử lý các cuộc khủng hoảng đa chiều, như khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính.”
Indonesia cũng sẽ nỗ lực nâng cao vị thế của ASEAN nhằm xây dựng một khu vực ổn định và hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy hợp tác để thiết lập một khu vực mạnh mẽ, bao trùm và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo ông Airlangga, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia cũng nhấn mạnh vị thế của Jakarta với tư cách là cường quốc tầm trung toàn cầu có thể gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự toàn cầu và thúc đẩy các nỗ lực để trở thành một phần của giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Airlangga, Tổng thống Joko Widodo lạc quan rằng đến năm 2045, ASEAN sẽ là một nhóm các quốc gia thích ứng hơn, phản ứng nhanh hơn, cạnh tranh hơn và phù hợp với chương trình nghị sự toàn cầu./.
(TTXVN/Vietnam+)