Lời kêu gọi được đưa ra trước thềm chuyến thăm Ukraine của nhà lãnh đạo Indonesia vào ngày 29/6. Tại phiên họp, Tổng thống Indonesia tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khẳng định tầm quan trọng của sự ủng hộ từ các nước G7 để lúa mì từ Ukraine cũng như hàng hóa thực phẩm và phân bón từ Nga có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong một thông cáo báo chí phát ngày 28/6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Tất nhiên, sự hỗ trợ từ G7 là cần thiết nhằm tạo thuận lợi và ngay lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mì từ Ukraine”.
Bà Marsudi cho biết, Tổng thống Joko Widodo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để đưa lúa mì của Ukraine cũng như thực phẩm và phân bón của Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Joko Widodo ủng hộ áp dụng hai phương pháp. Trước hết là tạo điều kiện thuận lợi để Ukraine xuất khẩu lúa mì và cách tiếp cận thứ hai là gia tăng nhận thức toàn cầu rằng các mặt hàng thực phẩm và phân bón từ Nga không nên nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Tổng thống Indonesia tin tưởng rằng “Việc tuyên truyền rộng rãi này là cần thiết” nhằm xóa tan những nghi ngờ kéo dài trong cộng đồng quốc tế. Công tác tuyên truyền cũng cần được thực hiện đối với các bên liên quan như ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty vận tải biển.
Ông Joko Widodo đã lưu ý tác động của xung đột đối với chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón. Ông cảnh báo nếu không giải quyết đúng cách sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực, cụ thể là khan hiếm gạo, ảnh hưởng đến 2 tỷ người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Lời kêu gọi của Tổng thống Indonesia đưa ra trong bối cảnh một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế mà phương Tây đang áp đặt đối với Nga vì đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine kể từ ngày 24/2. Ngũ cốc của Ukraine là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột đang diễn ra./.
H.Hà (Theo Reuters, AFP)