Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Thứ trưởng Quy hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas), bà Amalia Adninggar Widyasanti đã kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tối ưu hóa nền kinh tế xanh như một động lực tăng trưởng mới nhằm cải thiện an ninh kinh tế khu vực.
Ngày 1/3, phát biểu tại Hội nghị đối thoại nhiều bên về phát triển khuôn khổ kinh tế biển xanh ASEAN, bà Widyasanti nhấn mạnh ASEAN cần tăng trưởng kinh tế cao một cách bền vững và toàn diện và kinh tế xanh là một trong những tiềm năng mà các nước ASEAN có thể cùng nhau khai thác như một nguồn tăng trưởng mới.
Bà Widyasanti cho rằng hiện tăng trưởng kinh tế của ASEAN đang có xu hướng giảm. Do vậy, Đông Nam Á cần một động lực tăng trưởng mới.
Hơn nữa, phần lớn các nước ASEAN đều đang tìm cách vươn lên từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Theo bà, điều quan trọng là phát triển kinh tế biển xanh, xuất phát từ các tiềm năng tài nguyên biển rộng lớn.
[Kinh tế biển xanh: Cần các chính sách khai thác tiềm năng đang bỏ ngỏ]
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo giá trị gia tăng của tài nguyên biển sẽ đạt khoảng 30.000 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, tiềm năng của kinh tế biển xanh vẫn chưa được khám phá đầy đủ, kể cả trong khu vực ASEAN.
Thứ trưởng Widyasanti khẳng định: “Bằng cách tối ưu hóa tài nguyên biển, ASEAN không chỉ củng cố nền kinh tế mà còn có thể mở khóa tiềm năng kinh tế và đạt tăng trưởng cao trong tương lai.”
Theo bà Widyasanti, chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng” được chọn làm chủ đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 xuất phát từ việc khu vực này có nhiều lợi thế để trở thành mỏ neo ổn định và trung tâm tăng trưởng toàn cầu trong tương lai.
Bà nhấn mạnh ASEAN thực sự có nhiều tiềm năng phát triển và cần hợp tác và làm việc cùng nhau để tối ưu hóa tiềm năng kinh tế của mình.
Kinh tế biển xanh thực sự có tiềm năng đóng vai trò là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)