Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nước này Johnny G.Plate cho biết Chính phủ Indonesia cam kết đẩy mạnh "chuyển đổi số quốc gia" thông qua 5 chương trình ưu tiên, bao gồm thiết lập và mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ 4G trên toàn quốc trong vòng 2 năm tới.
Phát biểu tại thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Plate khẳng định rằng chậm nhất là vào cuối năm 2022, các dịch vụ 4G sẽ có mặt trên toàn quốc, cho phép mọi công dân chuyển sang kỷ nguyên xã hội kỹ thuật số. Theo thống kê, khoảng 12.500 ngôi làng và khu vực trên toàn lãnh thổ Indonesia hiện chưa được kết nối Internet.
Ông Plate nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ truy cập Internet trên toàn quốc, giảm chênh lệch về tốc độ truy cập Internet giữa các khu vực và thiết lập kết nối Internet nhanh chóng". Bộ trưởng Plate cam kết tăng cường kiến thức kỹ thuật số cho công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như tầng lớp nông dân và ngư dân.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã phối hợp với hơn 100 cộng đồng trong nước triển khai các chương trình "xóa mù" kỹ thuật số trên toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng về cách thức bảo vệ an toàn trong kỷ nguyên thế giới kỹ thuật số và xác định các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến.
Theo xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số, Indonesia xếp thứ 56 trên tổng số 63 quốc gia được xếp hạng vào năm 2019, mặc dù có tới 175,4 triệu người dùng Internet. Trước đó, Thứ trưởng Tài chính Suahasil Nazara cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và Chính phủ Indonesia xác định đây là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự nhằm cải cách quản trị đất nước.
Theo kết quả cuộc khảo sát Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) do Liên hợp quốc tiến hành, Indonesia đang bị tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật số. Quốc gia này chỉ đứng thứ 88 trong số 193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 7 tại khu vực Đông Nam Á./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)