Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 2/8 theo hình thức trực tuyến, Indonesia đã đề nghị các nước thành viên chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu họp báo trực tuyến từ Washington D.C (Mỹ) sau khi tham dự hội nghị, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết Indonesia đã đề xuất thăm dò khả năng thiết lập cơ chế chia sẻ vaccine nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các nước ASEAN.
Liên quan đến báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về nỗ lực của cả hiệp hội trong việc mua vaccine ngừa COVID-19 dành cho các nước thành viên có nhu cầu, bà Retno cho hay Indonesia đã đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, nhưng không nêu rõ số tiền cụ thể.
[Dịch COVID-19: Biến thể Delta lây lan "gần như khắp Indonesia"]
Nhân dịp này, bà Retno cũng cảnh báo các nước ASEAN về sự nguy hiểm của “chính sách phân biệt đối xử” đối với một số loại vaccine ngừa COVID-19, xuất phát từ việc nhiều quốc gia sử dụng một số loại vaccine như một điều kiện để được phép đi lại.
Bà Retno nhấn mạnh: “Indonesia nhắc nhở rằng việc công nhận vaccine phải luôn sử dụng tài liệu tham khảo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp.”
Mới đây, Singapore tuyên bố không sử dụng vaccine CoronaVac do công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Hiện quốc đảo này vẫn cho phép các cơ sở y tế tư nhân sử dụng nguồn vaccine Sinovac của chính phủ cho đến khi hết.
Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sẽ không tính số người đã được tiêm loại vaccine này vào danh sách thống kê của chương trình tiêm chủng quốc gia.
Trong khi đó, Malaysia cũng cho biết sẽ ngừng sử dụng vaccine Sinovac trong chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi dùng hết số liều đã đặt mua.
Phát biểu họp báo hôm 15/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba giải thích rằng việc ngừng sử dụng vaccine Sinovac là do quốc gia này vẫn còn đủ nguồn cung cấp các loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng quốc gia.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2021, Indonesia sẽ tiếp nhận tổng cộng 331 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết tổng số vaccine chắc chắn sẽ được chuyển giao cho Indonesia từ nay đến cuối năm là 258.675.440 liều và 72,5 triệu liều còn lại vẫn đang trong giai đoạn chốt hợp đồng.
Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1/2021 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 208 triệu người nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Tính đến ngày 2/8, quốc gia này đã tiêm chủng cho 47.686.483 người, trong đó 20.934.425 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)