Bali, điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển và đền chùa, cùng với đảo lớn chính Java và 15 khu vực khác đang áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 25/7. Chính phủ Indonesia đang thảo luận khả năng gia hạn các biện pháp này.
Người đứng đầu cơ quan y tế của Bali – ông Ketut Suarjaya cho biết: “Chúng tôi đã hết khí ôxy từ ngày 14/7 và tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn vì số ca nhiễm mới tăng cao. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng khí oxy tại Bali". Theo ông Suarjaya, các bệnh nhân ở Bali cần 113,3 tấn oxy, trong khi các bệnh viện hiện chỉ còn 40,5 tấn.
Tình trạng thiếu khí ôxy cũng đang xảy ra tại Java. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu oxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế Indonesia cũng cho thấy, hiện 7/27 tỉnh bên ngoài Java và Bali đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh viện khi tỷ lệ bệnh nhân nhập viện lên tới hơn 70%.
Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá tải và nguồn cung cấp oxy y tế cũng như vaccine ngừa COVID-19 đang thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng ra ngoài đảo Java và Bali.
Cụ thể Đông Kalimantan (83%), Lampung (78%), Nam Sumatra (77%) và Riau (74%); ngoài ra còn 8 tỉnh khác bên ngoài Java cũng ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nằm viện chiếm 60-70% số giường bệnh. Một số bệnh viện đã phải từ chối nhận bệnh nhân chuyển tuyến, thậm chí treo biển đóng cửa do số lượng bệnh nhân đã quá đông.
Indonesia, nước đông dân thứ 4 thế giới, đã ghi nhận hơn 3.127.826 ca nhiễm và 82.013 ca tử vong. Ngày 24/7, nước này ghi nhận 45.416 ca nhiễm mới, 1.415 ca tử vong. Sự lây lan của dịch, do biến thể Delta, không có dấu hiệu thuyên giảm. Theo tổ chức nghiên cứu Our World in Data, Indonesia có tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu./.
K.G (theo Reuters, The Jakarta Post)