Indonesia: Dang dở giấc mơ trở thành cường quốc hàng hải 

Mặc dù Tổng thống Joko Widodo từng công bố tham vọng biến Indonesia thành "trục hàng hải toàn cầu," cho đến nay nước này chưa có nhiều chính sách, hành động cụ thể để thực hiện tham vọng này.
Indonesia: Dang dở giấc mơ trở thành cường quốc hàng hải

Năm 2014, sau khi đắc cử nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Joko Widodo đã công bố tham vọng biến Indonesia thành “Trục hàng hải toàn cầu (GMF).”

Nhìn rộng ra, GMF liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế biển, cũng như củng cố lực lượng hải quân để đưa “quốc gia vạn đảo” vươn lên thành cường quốc hàng hải.

Theo giới chuyên gia, GMF là một chiến lược đầy tham vọng của Tổng thống Jokowi. Nếu thực hiện thành công, Indonesia sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải quan trọng toàn cầu, kết nối các tuyến vận tải biển quốc tế.

Chiến lược nhằm giành lại vị thế cường quốc biển

Với nhiều tiềm năng to lớn từ đại dương, kinh tế biển sẽ thay đổi nền kinh tế Indonesia và tạo ra một nguồn kinh tế bền vững.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, Indonesia là nước đóng góp cao thứ hai trong sản xuất kinh tế biển trên thế giới và chiếm gần 10% việc làm nghề cá toàn cầu.

Nổi tiếng về đa dạng sinh học biển, Indonesia cũng là nơi có những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới.

Các lựa chọn mà Indonesia sẽ đưa ra về quản trị và kinh tế hàng hải sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển quốc gia cũng như quá trình của ngành hàng hải và nghề cá trên toàn cầu.

Biến tầm nhìn này thành hiện thực, đòi hỏi Indonesia phải tăng vốn nhân lực, cho phép nước này tận dụng tiềm năng to lớn của nền kinh tế xanh. Nó cũng đòi hỏi sự phát triển của tài chính sáng tạo để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của Indonesia.

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu, ông Widodo đã cho tái lập Bộ Điều phối Hàng hải vốn bị giải thể vào năm 1955. Tiếp đó, vào tháng 2/2017, ông đã ký ban hành sắc lệnh về Chính sách Đại dương - được coi là văn bản hướng dẫn triển khai GMF.

Tuy vậy, điều đáng nói là văn bản này lại không rõ ràng và chẳng giúp gì để thúc đẩy triển khai chiến lược.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Luhut Pandjaitan thường sa vào các cuộc ganh đua với Bộ trưởng Biển và Nghề cá được lòng dân Susi Pudjiastuti về một số vấn đề, trong đó đáng chú ý là chính sách đánh đắm các tàu cá bất hợp pháp nước ngoài.

Theo nhà nghiên cứu Evan Laksmana thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Jakarta, việc thiếu một cơ quan có thẩm quyền duy nhất để điều phối hàng chục bộ và cơ quan chuyên trách hàng hải của Indonesia đã gây xáo trộn trong quá trình triển khai GMF.

Kể từ khi GMF được công bố, Indonesia đã khởi công ít nhất 19 cảng biển mới. Điều này nghe có vẻ ấn tượng song thực tế là Chính phủ vẫn tiếp tục coi trọng các dự án cơ sở hạ tầng trên đất liền hơn.

Trong số 37 dự án ưu tiên đang được triển khai, chỉ có 4 dự án cơ sở hạ tầng hàng hải. Hơn nữa, lợi ích kinh tế của các cảng mới này cũng không rõ ràng và sẽ tiếp tục hoạt động dưới công suất, do tệ quan liêu và thiếu kết nối với các trung tâm kinh tế.

 

Chương trình nổi bật khác của GMF là xây dựng các “đường cao tốc trên biển (Tol Laut)” nhằm giảm chênh lệch giá cả hàng hóa rất lớn giữa các khu vực ở miền Tây và miền Đông Indonesia.

Nhưng Tol Laut đang phải sống dựa vào các khoản trợ cấp lớn của chính phủ do các tàu hàng thường trở về không từ các khu vực biển đảo hẻo lánh.

Trong khi đó, mục tiêu giảm chênh lệnh giá cả hàng hóa giữa các vùng miền hiện vẫn chưa đạt được do tình trạng độc quyền và móc ngoặc.

Sự đổi hướng bất ngờ

Giới quan sát kỳ vọng trong khoảng thời gian 5 năm trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Jokowi vẫn còn cơ hội thực hiện thành công chiến lược GMF.

Biện pháp mà Chính phủ Indonesia nên tiến hành là ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, Chính phủ cần chú trọng đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến cũng như tích hợp các nền kinh tế trên đất liền và trên biển.

Đối với hoạt động đầu tư vào công nghệ tiên tiến, Chính phủ Indonesia cần thúc đẩy công nghệ hàng không và vệ tinh của đất nước để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và giao dịch toàn cầu.

Hoạt động vận tải biển trên nhiều tuyến hàng hải trong phạm vi rộng lớn của Indonesia cần phải có hệ thống an ninh giám sát chặt chẽ, đem lại sự an toàn cho mọi hoạt động trong mọi tình huống mới có thể phát huy được tính hiệu quả của các tuyến vận tải biển.

Tiếp theo đó là hướng đi tích hợp phát triển kinh tế trên đất liền và kinh tế biển làm sức mạnh tổng hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Nếu Indonesia thực sự muốn trở thành trục hàng hải của thế giới, quốc gia này cần phải hợp nhất các nền kinh tế giữa vùng nội địa và vùng ven biển.

Tại các khu vực nội địa cần được xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại và có kết nối chặt chẽ với nhau.

Song song với đó cần tạo ra các cấu trúc chính sách kinh tế nhất định, như tối đa hóa các cảng biển để vận chuyển các mặt hàng thực phẩm bao gồm rau, trái cây, thịt… phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

 

Tuy nhiên, kể từ khi ông Jokowi phát động chiến dịch tái tranh cử, giành chiến thắng và chính thức bước vào nhiệm kỳ hai hồi tháng 10/2019, GMF hầu như không còn được nhắc đến, giống như nhiều chính sách ồn ào khác của Indonesia.

Trong khi việc triển khai GMF gặp trở ngại, tầm nhìn của Tổng thống Jokowi dường như cũng đã thay đổi.

Những lời phát biểu mạnh mẽ của nhà lãnh đạo này về các vấn đề hàng hải hầu như không còn, trong khi trọng tâm ưu tiên của chính quyền dần dịch chuyển sang các vùng đảo, thể hiện rõ nhất ở việc lựa chọn một địa điểm trên đảo Borneo - nơi không có đường tiếp cận trực tiếp ra biển - để xây dựng thành phố thủ đô tương lai.

Được báo giới mô tả là “thành phố rừng già,” thủ đô mới của Indonesia là lựa chọn kỳ lạ của một quốc gia đang khao khát tìm lại quá khứ hàng hải vinh quang.

Sriwijaya - vương quốc hàng hải cường thịnh của Indonesia vào thế kỷ thứ 7 bao trùm hầu hết đảo Sumatra và bán đảo Malay - đặt thủ đô tại nơi hiện là thành phố Palembang trên đảo Sumatra.

Dù không nằm sát biển, Palembang có đường tiếp cận trực tiếp ra biển thông qua con sông lớn Musi.

Cố tiểu thuyết gia nổi tiếng người Indonesia Pramoedya Ananta Toer từng lý giải rằng văn hóa hàng hải của Indonesia đã bắt đầu chết dần chết mòn sau khi những người đứng đầu vương quốc Mataram hùng mạnh (thế kỷ 16-18) trên đảo Java quyết định dời đô từ vùng ven biển vào sâu trong nội địa để tránh nạn cướp bóc từ các thuyền buôn châu Âu.

GMF - câu khẩu hiệu từng truyền cảm hứng trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ một của Tổng thống Jokowi - dường như vẫn còn nguyên trên giấy do đây là một sáng kiến nửa vời.

Trong bài phát biểu nhậm chức lần hai vào ngày 20/10 năm ngoái, Tổng thống Jokowi đã không đề cập đến chiến lược này dù chỉ một lần và chỉ cam kết tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Ông cũng chọn một giấc mơ mới - giấc mơ biến Indonesia thành quốc gia phát triển vào năm 2045 với thu nhập bình quân đầu người khoảng 23.000 USD/năm và không còn tình trạng nghèo đói./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

 

1012 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1044
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1044
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87180368