Ngày 6/3, Indonesia - Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023, đã công bố 3 Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) trong lĩnh vực tài chính, bao gồm tái thiết, kinh tế kỹ thuật số và phát triển bền vững.
Phát biểu tại sự kiện “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng” do Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) tổ chức, Thứ trưởng Tài chính Suahasil Nazara nêu rõ Indonesia muốn tiếp nối các ưu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022.
Theo Thứ trưởng Suahasil, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế. Do vậy, tái thiết là điều rất quan trọng, được thực hiện bằng cách thúc đẩy phục hồi, đảm bảo sự ổn định, khả năng ứng phó về kinh tế và tài chính. Không chỉ tiếp tục phục hồi, các nước còn phải phát triển và giữ ổn định.
[Tiêu dùng số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN]
Thứ trưởng Suahasil cũng khẳng định rằng kinh tế số là động lực chiến lược tiếp theo. Theo ông, sự phát triển của thế giới đang hướng tới kỷ nguyên số, vì vậy chính phủ cần nắm bắt kinh tế kỹ thuật số để thực hiện tốt chức năng quản lý.
Các cuộc thảo luận về kinh tế kỹ thuật số sẽ giúp thúc đẩy kết nối thanh toán, tăng cường kiến thức về tài chính kỹ thuật số toàn diện, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và nâng cao khả năng ứng phó tài chính. Kinh tế số cũng sẽ giúp lĩnh vực kinh doanh có vị thế tốt hơn một cách bền vững.
Cuối cùng, Thứ trưởng Suahasil cho rằng phát triển bền vững - động lực chiến lược thứ ba, được thực hiện thông qua việc tăng cường tài trợ cho tiến trình chuyển tiếp hướng tới tài chính bền vững và nền kinh tế xanh./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)