Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto ngày 15/12 cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 4/2020 dự báo có thể dao động trong phạm vi từ âm 2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý 3, thời điểm tốc độ sụt giảm đã chững lại ở mức 3,49% so với 5,32% trong quý 2.
Đà sụt giảm trong quý 2 và quý 3 cho thấy Indonesia đã bắt đầu phục hồi sau khi chạm đáy. Vì vậy, cơ hội phục hồi cần được duy trì và có thể đạt tăng trưởng dương 0,6% do nhu cầu trong nước và niềm tin của người tiêu dùng tăng, thể hiện qua tiêu dùng hộ gia đình tăng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức 1,59% trong tháng 11 vừa qua cũng có thể là động lực để triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong quý 4.
Một số lĩnh vực khác được xem là góp phần thúc đẩy tăng trưởng dương là nông nghiệp, đồn điền, giáo dục, thông tin và viễn thông, y tế và các hoạt động xã hội.
Ông Airlangga cũng cho biết thêm các ngành có đóng góp lớn vào GDP như sản xuất, thương mại và tiêu dùng cũng đang có tốc độ tăng trưởng tích cực.
Cùng với đà đi lên của thị trường, dòng vốn đã quay trở lại Quốc gia vạn đảo này và đây là niềm tin cho thấy nhiều hoạt động kinh tế đang phục hồi, tạo nền tảng tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Với thặng dư thương mại ở mức 3,61 tỷ USD trong tháng 10, mức 17,07 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và dự trữ ngoại hối đạt 130 tỷ USD, khu vực tài chính của Indonesia cũng đang thể hiện khả năng phục hồi tốt.
Những tín hiệu trên cho thấy, năm 2021 sẽ là cơ hội để nền kinh tế quốc gia phục hồi hoàn toàn.
[Indonesia đề nghị EU chấm dứt phân biệt đối xử đối với sản phẩm dầu cọ]
Cùng ngày, Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Thái Lan thông báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này có thể giảm ít hơn so với dự báo nhờ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phục hồi.
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn lời quyền Tổng giám đốc FPO, bà Kulaya Tantitemit cho rằng kinh tế Thái Lan có thể suy giảm ít hơn mức 7,7% mà Văn phòng này dự báo hồi tháng 10 nhờ các điều kiện kinh tế đang được cải thiện.
Theo đó, GDP của Thái Lan trong quý 3/2020 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức giảm 12,1% trong quý 2/2020. Sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng 6,5% trong quý 3/2020.
Tính tổng thể, 9 tháng đầu năm 2020, kinh tế Thái Lan đã giảm 6,7% .
Sự cải thiện này được cho là nhờ nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại trong nước, cùng với các biện pháp phục hồi nền kinh tế thông qua kích thích tài chính. GDP cả năm 2020 của Thái Lan được FPO dự báo ở mức giảm 7,7% và đạt mức tăng 4,5% cho năm 2021.
Bà Kulaya cho biết tiêu dùng nội địa là động lực chính cho hoạt động kinh tế của Thái Lan trong năm nay, trong khi xuất khẩu bị thu hẹp vì đại dịch.
Tiêu dùng nội địa trong năm tới có thể sẽ duy trì đà tăng từ năm nay, nhờ các biện pháp kích thích tiêu dùng của Chính phủ.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Anusorn Tamajai, nguyên Trưởng khoa Kinh tế, trường Đại học Rangsit nhận định Thái Lan sẽ tổn thất khoảng 16 tỷ baht (530 triệu USD) trong kỳ nghỉ Năm mới nếu làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai bùng phát tại nước này.
Phân tích của ông Anusorn được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng sau khi một số người nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Thái Lan và được phát hiện dương tính với COVID-19.
Tuy nhiên, ông Anusorn lạc quan rằng số ca nhiễm mới ở Thái Lan sẽ được kiểm soát do Chính phủ đã áp dụng một hệ thống truy vết hiệu quả.
Theo ông Anusorn, nếu Thái Lan không thể ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ hai, kinh tế nước này trong năm tới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 4%.
Thái Lan ngày 14/12 ghi nhận thêm 28 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.237 ca, trong đó có 60 trường hợp tử vong./.
Đình Ánh-Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)