Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đặt mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách nước này về mức 4,85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2022 và xuống dưới ngưỡng 3% GDP theo luật định vào cuối năm 2023, vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù tăng trưởng quý 2/2021 của Indonesia đạt 7,07% so với cùng kỳ năm 2020, song vẫn còn quá sớm để xác định những tác động của đợt bùng phát dịch hồi tháng 6-7 vừa qua đối với tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á.
Được thúc đẩy bởi sự gia tăng đáng khích lệ trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và tác động dự kiến từ những cải cách sâu rộng trong Đạo luật Omnibus về tạo việc làm năm 2019, Dự thảo ngân sách năm 2022 dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,5%, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Tăng trưởng đột biến trong quý 2/2021 cho thấy sự cải thiện đáng kể trong tất cả các thành phần của GDP. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đạt được trên nền tốc độ tăng trưởng thấp nhất lịch sử là -5,32% của cùng kỳ năm 2020, thời điểm đại dịch đã giáng một đòn mạnh lên kế hoạch của Tổng thống Joko Widodo trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thứ hai.
Được công bố trong bài phát biểu của Tổng thống Widodo trước Quốc hội hồi giữa tháng Tám vừa qua, mục tiêu thâm hụt ngân sách mới của Jakarta trong năm 2022 ước tính là 868.000 tỷ rupiah (60,2 tỷ USD), thấp hơn so với mức 6,09% GDP của năm 2020 và mức 5,82% GDP ước tính trong năm nay.
Các chuyên gia phân tích cho rằng dù là một thách thức, song mục tiêu này sẽ giúp cải thiện các yếu tố cơ bản trong quan điểm tài khóa của Chính phủ.
[Kinh tế Indonesia tăng trưởng lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua]
Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P cho rằng thâm hụt trong năm tới của Indonesia thậm chí có thể giảm xuống dưới mức 4,2% GDP, dựa trên dự báo rằng tăng trưởng GDP của Indonesia sẽ đạt 5,6%.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định thâm hụt ngân sách của quốc gia Đông Nam Á trong năm nay có thể lên tới 6,2% GDP do chi tiêu nhiều hơn và thu ngân sách từ thuế thấp hơn trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, với đỉnh điểm số ca mắc mới lên tới hơn 56.000 ca/ngày hồi đầu tháng Bảy.
Cũng theo Dự thảo ngân sách năm 2022, thu ngân sách sẽ tăng 6,05% lên mức 1.800.000 tỷ rupiah (125 tỷ USD), trong đó thu từ thuế tăng 9% lên 1.500.000 tỷ rupiah (104,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, tổng thu ngân sách này không tính đến mức sụt giảm thu ngân sách phi thuế vốn được dự báo sẽ tăng 6,7% lên mức 333.200 tỷ rupiah (23,1 tỷ USD) và kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% hiện nay xuống còn 20% vào năm tới.
Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, chi tiêu của chính phủ sẽ được giữ nguyên ở mức 2.700.000 tỷ rupiah (187,5 tỷ USD). Kết quả này đạt được nhờ cắt giảm ngân sách y tế (-12,7%), trợ cấp xã hội (-12,4%) và cơ sở hạ tầng (-7,8%), hạng mục chiếm nhiều ngân sách trong hầu hết nhiệm kỳ của ông Widodo.
Ngược lại, có sự gia tăng đáng kể trong phân bổ ngân sách quốc phòng (+12%), dịch vụ công (+42%) và giáo dục (+0,3%). Các nhà phân tích cho rằng việc tăng ngân sách cho dịch vụ công và giáo dục xuất phát từ các nỗ lực thúc đẩy số hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, quản lý xuất nhập khẩu và giảng dạy trực tuyến.
Trong khi đó, trợ cấp năng lượng vẫn được duy trì ở mức tương tự như năm ngoái, dựa trên giả định rằng giá dầu thế giới sẽ vẫn ổn định và gần với mức hiện tại.
Liên quan đến Ngân sách Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PEN), chính phủ dự kiến sẽ chi 148.100 tỷ rupiah (10,2 tỷ USD) cho chăm sóc y tế và 153.700 tỷ rupiah (10,6 tỷ USD) để củng cố mạng lưới an sinh xã hội, trong bối cảnh Indonesia vẫn đang phải tiếp tục ứng phó với các tác động của đại dịch.
PEN năm 2021 tăng 21% so với năm 2020 lên mức 699.430 tỷ rupiah (48,5 tỷ USD), trong đó tập trung vào các lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội, các chương trình ưu tiên của chính phủ, kích thích kinh doanh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài trợ các tập đoàn nhà nước.
Sau khi ghi nhận mức sụt giảm 2,1% vào năm ngoái, chính phủ ban đầu dự báo tăng trưởng năm nay sẽ phục hồi trong khoảng từ 4,5% đến 5%. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 3%, tùy thuộc vào mức độ diễn biến của đại dịch.
Một đợt phong tỏa mới sẽ kéo theo sự gia tăng đáng kể ngân sách hỗ trợ kinh tế và xã hội, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và buộc chính quyền phải trì hoãn kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Cho đến nay, mối quan tâm lớn của Tổng thống Widodo vẫn là duy trì các hoạt động kinh doanh. Do vậy, nhà lãnh đạo này đã hứng chịu chỉ trích vì bỏ qua lời khuyên của một số bộ trưởng cấp cao và trì hoãn thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới.
Một cuộc thăm dò của Viện Khảo sát Indonesia (LSI) hồi cuối tháng Bảy vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Widodo sụt giảm từ mức 68,9% hồi tháng 12/2020 xuống còn 59,6%, trong đó tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với công tác xử lý đại dịch giảm từ mức 56,5% xuống còn 43%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Tổng thống Widodo có thể giành lại sự ủng hộ trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng tới 31,7% trong quý 2 vừa qua nhờ giá cả hàng hóa thế giới tăng vọt và tốc độ phục hồi nhanh hơn dự kiến tại Mỹ và Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, với việc thu ngân sách từ thuế năm nay được dự báo chỉ chiếm 8% GDP, giảm mạnh từ mức 12% trước đó, Chính phủ Indonesia buộc phải dành phần lớn các gói kích thích còn lại nhằm duy trì các mạng lưới an sinh xã hội, đồng thời bỏ mặc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình là khi Bộ Tài chính mới đây chỉ đạo các Bộ, ngành cắt giảm chi tiêu ngân sách trong thời gian còn lại của năm nay và chuyển số tiền tiết kiệm được về kho bạc./.
(Vietnam+)