Thông báo ngày 29/5 của IMF cho biết tuyến tín dụng này “sẽ củng cố niềm tin, và cùng với mức dự trữ quốc tế khá dồi dào của Chile, tạo điểm tựa trước những rủi ro tiêu cực”. Về phần mình, Chính phủ Chile cho biết đây là một thỏa thuận mang tính “phòng ngừa”.
Trước đó một ngày, IMF đã thông qua cơ chế “tín dụng dự phòng” tổng giá trị 11 tỷ USD cho Peru, với thời hạn giải ngân 3 năm, cũng với mục đích ứng phó các tác động kinh tế tiêu cực của COVID-19. Ngân hàng Dự trữ Trung ương Peru (BCRP) cho biết sẽ chỉ sử dụng nguồn vốn này “nếu tác động từ bên ngoài làm suy giảm đáng kể dự trữ quốc tế của Peru” và việc IMF thông qua cơ chê tín dụng này không đồng nghĩa Lima mắc nợ tổ chức này. Theo BCRP, cơ chế tín dụng này cũng không kèm theo các ràng buộc về chính sách kinh tế như thông lệ của IMF, vì loại tín dụng đặc thù này “dành cho các nước có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và có lịch sử dài triển khai các chính sách kinh tế hợp lý”.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt 250 triệu USD hỗ trợ chương trình ứng phó khẩn cấp của Indonesia khắc phục tác động của dịch COVID-19.
Đại diện WB tại Indonesia và Timor-Leste Satu Kahkonen (Xa-tu Ca-cô-nen) cho biết khoản tiền trên sẽ hỗ trợ Chính phủ Indonesia củng cố hệ thống y tế công cộng, giảm tác động của đại dịch này đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội, từ đó giảm nghèo và bảo vệ nguồn nhân lực của nước này. Trước mắt, chương trình tài trợ sẽ giúp tăng việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), tăng cường mạng lưới phòng thí nghiệm và hệ thống giám sát, hỗ trợ phát triển và sử dụng các các dịch vụ chất lượng. Ông Kahkonen cho biết thêm bằng cách học hỏi từ việc khắc phục tác động của dịch COVID-19, chương trình sẽ giúp hệ thống y tế của Indonesia chuẩn bị ứng phó tốt hơn với nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai. Khoản tài trợ này được phối hợp thực hiện cùng với khoản tài trợ 250 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư và Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và khoản 200 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IsDB).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati (Xri Mu-li-a-ni In-đra-oa-ti) cho biết thời gian qua Chính phủ Indonesia đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giảm tác động của dịch bệnh trong các lĩnh vực y tế, xã hội và kinh tế. Với hỗ trợ của WB, Indonesia cam kết tăng cường năng lực của hệ thống phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc, đồng thời đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho nhân viên y tế./.
Lê Hà - Đình Ánh/TTXVN