Theo báo cáo được đưa ra, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 thêm 0,1% điểm, xuống còn 3,4%. Mức dự báo này giảm so với dự báo mà IMF đưa ra hồi tháng 7, nhấn mạnh rằng các căng thẳng địa chính trị và thương mại đã khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ tăng trưởng ở mức 3%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008.
"Ưu tiên chính sách hiện tại là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa chính trị", IMF cho biết trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được đưa ra vào tháng 10. "Những động thái này có thể kéo niềm tin lên cao, kích thích đầu tư, chặn lại đà giảm thương mại và sản xuất, cũng như đẩy cao tăng trưởng toàn cầu".
Mỹ hiện là một trong số ít các nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng vào năm 2020. IMF dự báo nền kinh tê Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% vào năm 2020, tăng 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó, nhưng thấp hơn so với mức tăng trưởng 4% mà Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ đem lại cho nền kinh tế Mỹ kể từ khi nhậm chức.
Chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF cho biết "Sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ qua tình trạng sụt giảm của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Thuế quan gia tăng và tình trạng bấp bênh kéo dài do chính sách thương mại gây ra đã làm suy yếu hoạt động đầu tư và nhu cầu hàng hóa lâu bền".
Ông Gita Gopinath cho rằng: "Đối với Mỹ, những bất ổn liên quan đến thương mại đã tác động tiêu cực đến đầu tư, nhưng tình hình việc làm và tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh".
Ngoài ra, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh kinh tế Đức chậm lại. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2019 được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó và năm 2020 là 1,4%, giảm 0,2%.
Báo cáo của IMF cho biết đến 2020, thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố áp lên hàng hóa của nhau sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%, tương đương mức giảm 700 tỷ USD.
Cũng theo dữ liệu của IMF, thương mại toàn cầu trong nửa đầu năm nay chỉ tăng 1%, mức tăng yếu nhất kể từ năm 2012 và giảm mạnh so với mức tăng 3,6% đạt được trong 2018.
Theo IMF, sự tăng trưởng mạnh hơn sẽ đến từ các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina hay Iran. Tuy nhiên, IMF cũng cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sớm kết thúc.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang theo dõi sát sao mọi diễn biến của xung đột thương mại nhằm đưa ra các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết.
Đây là dự báo đầu tiên được IMF đưa ra kể từ khi bà Kristalina Georgieva lên nắm quyền Tổng Giám đốc IMF vào đầu tháng 10, thay bà Christine Lagarde người hiện đang là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)./.
Hoài Hà (Theo CNN, AFP)