Theo đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được IMF đưa ra, tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu được điều chỉnh là 3,2% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020. Con số này thấp hơn 0,1% so với mức dự báo mà IMF đưa ra vào tháng 4 và thấp hơn 0,3% mức dự báo được đưa ra hồi đầu năm.
IMF cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng về khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, giảm 0,9% điểm, xuống còn 2,5% trong năm 2019. Thương mại sẽ phục hồi tăng trưởng trở lại lên 3,7% trong năm 2020, ít hơn 0,2% điểm so với dự báo trước đó.
Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết tăng trưởng đã ở mức tốt hơn so với dự báo tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ. Trong báo cáo hàng quý của IMF đưa ra, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2019 tăng 0,3%, lên mức 2,6%. Tuy nhiên, IMF cảnh báo nhu cầu yếu, một phần do căng thẳng thương mại và thuế, sẽ cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, do vậy, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 xuống còn 1,9%.
Bên cạnh đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng đáng kể do cuộc chiến thương mại với Mỹ, xuống còn 6,2% trong năm 2019 và 6% trong năm 2020.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng khu vực Eurozone lên 1,6% năm 2020, ghi nhận dự báo tăng trưởng không đổi đối với nền kinh tế khu vực năm 2019 ở mức 1,3%. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế của khu vực Mỹ Latinh chỉ tăng 0,6% trong năm 2019, giảm hơn 50% so với mức 1,4% của báo cáo trước.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị IMF hạ dự báo đà tăng trưởng 0,3% điểm so với dự báo được đưa ra 3 tháng trước, ở mức 4,1% trong năm 2019. Năm 2020, khu vực này được dự báo tăng 4,7%.
Theo IMF, "Rủi ro chính đối với nền kinh tế toàn cầu nằm ở chỗ những diễn biến bất lợi, bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, hay Brexit tiếp tục gia hạn mà không đạt thỏa thuận, gây suy giảm niềm tin, suy yếu hoạt động đầu tư, xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khiến tăng trưởng toàn cầu giảm sút dưới ngưỡng cơ sở".
"Khả năng phục hồi năm 2020 vẫn còn bấp bênh, trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nỗ lực bình ổn, cũng như diễn biến quanh việc giải quyết bất đồng về chính sách thương mại", IMF nhận định.
Tháng 5/2019, Mỹ đã tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25%. Trung Quốc ngay lập tức tung ra đòn trả đũa với danh mục hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD lên tới 25%. Không chịu thua kém, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho chính quyền chuẩn bị sẵn sàng để áp thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ làm như vậy, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ áp thuế đối với số hàng hóa còn lại trị giá khoảng 20 tỷ USD mà nước này nhập khẩu từ Mỹ. Các đòn trả đũa lẫn nhau giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Theo IMF, căng thẳng thương mại gây tác động đến hoạt động đầu tư và các nước cần thúc đẩy các cuộc thương lượng thay vì triển khai chính sách áp thuế. Tổ chức này một lần nữa cho rằng việc giải quyết sự bất ổn vẫn là vấn đề gây áp lực nhất đối với kinh tế toàn cầu và các chính phủ cần tránh các bước đi sai lầm vốn có thể làm suy yếu đà tăng trưởng và thị trường việc làm toàn cầu.
Tháng 4/2019, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra quyết định gia hạn thêm 6 tháng đến ngày 31/10, cho phép nước Anh có thêm thời gian để tìm giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng Brexit buộc Anh phải rời khỏi liên minh EU. Tuy nhiên, nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra sẽ làm suy giảm lòng tin và cản trở đầu tư, các rào cản thương mại ở cấp độ cao hơn sẽ làm xuất khẩu ngừng trệ.
Bên cạnh đó, Brexit không thỏa thuận có thể buộc Chính phủ Anh phải vay thêm 30 tỷ Bảng Anh (37,4 tỷ USD) mỗi năm tính từ năm 2020. Đây là lời cảnh báo được Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) đưa ra trước ngày 31/10, hạn cuối để Anh rời khỏi Liên minh EU./.
Hoài Hà (Theo CNBC, Bloomberg, Reuters)