Tổng Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã thông báo về việc thành lập một ủy ban tư vấn chuyên cung cấp thông tin về những khó khăn đối với chính sách, bao gồm cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và tác động kinh tế của dịch bệnh này.
Ủy ban nói trên gồm các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm trong chính phủ, các chuyên gia và học giả trong khu vực tư nhân, trong đó có ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Điều phối Chính sách Xã hội, kiêm cố vấn cho Thủ tướng về các chính sách kinh tế của Singapore cùng Chủ tịch của Tập đoàn Santander, bà Ana Botin.
Ủy ban này sẽ gặp bà Georgieva và các quan chức cấp cao khác của IMF vài lần trong 1 năm.
Ngoài ông Shanmugaratnam và bà Botin, ủy ban nói trên cũng gồm có những cái tên như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd; cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria và cũng là một quan chức kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới (WB) Ngozi Okonjo-Iweala; giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, cựu Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kristin Forbes; cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mark Malloch-Brown…
[Châu Âu đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ ứng phó với COVID-19]
IMF thành lập ủy ban nói trên trong bối cảnh bà Georgieva hối thúc các lãnh đạo và các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triển khai hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trước đó, trong tuần này, bà Georgieva đã cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu rộng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Bà Kristalina Georgieva đã phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng thế giới đang trải qua một “cuộc khủng hoảng kép" - cả về sức khỏe lẫn kinh tế - do dịch COVID-19 gây ra. Đây là cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có trong lịch sử IMF.
Bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
Trong khi đó, hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch./.
Ngọc Ánh (TTXVN/Vietnam+)