IMF hoan nghênh kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ 

(ĐCSVN) – Ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, xem đây như một giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF hoan nghênh kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ

Phát biểu bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF đang diễn ra, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu IMF Petya Koeva Brooks cho biết, IMF chưa tính toán đến tác động đối với tăng trưởng kinh tế từ đề xuất chi hơn 2.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden vì kế hoạch chưa được thông qua.

Trong khi đó, mặc dù Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất đưa ra dự báo lạc quan hơn về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên việc do dự về vaccine COVID-19 tại châu Âu hiện vẫn là một rủi ro.

“Việc đầu tư cơ sở hạ tầng là điều chúng tôi ủng hộ bấy lâu nay đối với Mỹ. Hiện đang tồn tại nhiều vấn đề cả về chất lượng lẫn quy mô của cơ sở hạ tầng, và đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ ý tưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều điều đáng khen trong các đề xuất đang được thực hiện tại Mỹ”, bà Petya Koeva Brooks cho biết.

"Chúng tôi nhận thấy, các khoản đầu tư vào năng lượng, giao thông vận tải hay viễn thông… Các loại hình đầu tư này thực sự có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với việc nâng cao năng lực sản xuất nền kinh tế trong nhiều năm tới”, bà Brooks nói thêm.

Theo bà Petya Koeva Brooks, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phục hồi chậm hơn Mỹ và Nhật Bản. Khu vực này sẽ không đạt được sản lượng kinh tế như thời kỳ trước khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 cho đến nửa đầu năm 2022. Bà Brooks cho rằng, khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay sau khi giảm 6,6% trong năm 2020.

Bà Brooks lưu ý cuộc khủng hoảng y tế vẫn là vấn đề then chốt, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành chiến dịch tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Bà cảnh báo việc chậm trễ 6 tháng tiêm chủng tại các nước phát triển, 9 tháng tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế.

Bà Petya Koeva Brooks dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ giảm hơn 1,5% so với dự báo trước đó. Thay vì tăng trưởng 6% trong năm 2021, kinh tế toàn cầu chỉ tăng 4,5% và sau đó là tăng trưởng 3,4% thay vì 4,4% trong năm 2022.

Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng đã “lão hóa” và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu cũng như năng lượng tái tạo...

"Bản đề xuất của tôi là một khoản đầu tư trị giá 2.000 tỷ USD cho tương lai của nước Mỹ, trải dài trong 8 năm tới. Nó sẽ giúp tạo ra tăng trưởng và việc làm ở mức lịch sử, tăng sức cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp. Đây sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất cho cơ sở hạ tầng, để con cháu chúng ta không bị tụt hậu trong tương lai", Tổng thống Joe Biden nói.

Đây cũng là đề xuất trị giá hàng nghìn tỷ USD thứ 2 của ông Joe Biden trong hai tháng cầm quyền nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, ông Joe Biden còn được cho là có thể công bố thêm một kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD khác trong tháng 4 này./.

 
Hoài Hà (Theo AFP, Reuters)
287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 716
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 717
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86336231